SHB Đà Nẵng đã có giai đoạn thăng hoa khi chen chân vào được top 5 sau 10 vòng đấu, nhưng kể từ trận thua Hải Phòng trên sân Lạch Tray, thầy trò huấn luyện viên Phan Thanh Hùng đã tụt dốc không phanh với 4 thất bại lên tiếp, giờ đã chìm gần xuống đáy bảng. Với 16 điểm, SHB Đà Nẵng đã để Nam Định vượt mặt và chỉ còn hơn 3 đội cuối bảng là Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC.
Thực ra, chuyện SHB Đà Nẵng sa sút không có gì bất ngờ khi nhìn vào thực lực, đặc biệt là cơn khủng hoảng ngoại binh kéo dài từ đầu giải khiến đội bóng liên tục gặp khó khăn khi phải ra sân với đội hình toàn cầu thủ nội. Sau mấy lần “thay máu” ngoại binh không thành, giờ Đà Nẵng chỉ còn mỗi trung vệ Walisson Maia đá tạm ổn, trong khi tiền vệ Erick Luis và chân sút Junior chơi quá tệ, thậm chí còn là gánh nặng cho các đồng đội trên sân. SHB Đà Nẵng bây giờ chỉ còn trông cậy vào lứa cầu thủ trẻ đang đá lên chân, dù bộ đôi Phi Hoàng - Đình Duy chơi quá nổi trên hàng công có vẻ như đã bị các đối thủ để ý và bắt bài. Lương Duy Cương, Trọng Nam, Văn Hữu… dù có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng còn non kinh nghiệm và không đủ bù đắp sự thiếu hụt trên sân.
Trắng tay trước Hải Phòng hai trận, thua cả Nam Định lẫn Viettel tình cảnh của SHB Đà Nẵng bây giờ đã trở nên nguy cấp. Trong bối cảnh bóng đá Đà Nẵng đang sa vào những tranh cãi, so bì khi bị cắt khoản tiền hỗ trợ từ ngân sách khiến lãnh đạo câu lạc bộ ấm ức, phân tâm và quyết định “đóng băng” các giải trẻ. Chuyện không cử đội bóng tham dự giải bóng đá Thiếu nhi U9, rút đội U17 khỏi vòng chung kết và còn tính xa hơn với dự định không tham dự giải U21… đâu đơn giản chỉ vì tiền. Lãnh đạo câu lạc bộ so bì, các địa phương khác đều hỗ trợ cho bóng đá trẻ, còn Đà Nẵng tại sao không? Dù ai cũng hiểu, lấy tiền ngân sách chi cho câu lạc bộ chuyên nghiệp là sai luật. Kiểm toán đã chỉ ra rành rành như thế, ai dám giải ngân số tiền 20 tỷ đồng, chiếm tới ¼ chi phí theo mùa của câu lạc bộ.
Người ngoài lại thấy, bóng đá Đà Nẵng có lẽ được yêu chiều quá nên bây giờ mới khó buông tay. Thời còn ông Bí thư mê bóng đá, ra Hà Nội họp Quốc hội còn tranh thủ tới sân Hàng Đẫy xem đội nhà thi đấu, tan giờ làm bảo lái xe ghé sân Chi Lăng, cởi bỏ quan phục ra sân làm thủ môn cho cầu thủ tập sút bóng rồi trêu đùa, tụi bay sút nhẹ hều như thế làm sao ghi bàn? Cái thời muốn gì được nấy, dù đã chuyển giao toàn bộ cơ ngơi bóng đá cho SHB, nhưng lãnh đạo thành phố vẫn dành sự ưu ái và sẵn sàng tìm mọi cách hỗ trợ cho đội bóng. Nhưng chăm bẵm mãi thì cũng phải có ngày khôn lớn. Bóng đá Đà Nẵng đã ra ở riêng từ 2008 đến giờ mà vẫn chưa tự thân vận động được thì thật là... Đánh động lãnh đạo chi bằng hãy tự hỏi mình trước đã, dù có núi vàng, biển bạc cũng đâu thể nuôi mãi được.
Ví như cái sân Chi Lăng nằm ngay vị trí vàng, từng là biểu tượng của bóng đá Đà Nẵng sau mấy lần xẻ thịt, phân lô làm sổ đỏ đem cầm cố ngân hàng, giờ trở thành đống nợ to đùng ngay giữa lòng thành phố. SHB Đà Nẵng có sân mới Hoà Xuân, nhưng người yêu bóng đá sông Hàn vẫn tụ tập ở đường Ngô Gia Tự, nhìn sân Chi Lăng hoang tàn mà không khỏi đau lòng. SHB Đà Nẵng giờ đang nguy cấp. Ngay trước kỳ nghỉ FIFA Days, thầy trò huấn luyện viên Phan Thanh Hùng sẽ có chuyến làm khách tại Vinh. Cơ hội có điểm là cực thấp khi đội khách không còn là ẩn số còn chủ nhà đang khát điểm. Quá khó cho huấn luyện viên Phan Thanh Hùng khi nhìn lui nhìn tới cũng chỉ biết trông mong vào những cầu thủ trẻ, mà thua thêm một trận nguy cơ sẽ càng hiện hữu gần hơn trong bối cảnh cuộc đua đang bước vào hồi kết.