V.League 2022 mới đi quá nửa chặng đường, thị trường chuyển nhượng giữa mùa bóng vừa đóng cửa đã rộ tin đồn kiểu như, Hà Nội FC muốn chiêu mộ Văn Toàn nếu cầu thủ này quyết định chia tay với Hoàng Anh Gia Lai sau khi hết hợp đồng cuối mùa giải. Chưa hết, Nam Định vừa mới tạm thoát hiểm sau khi huấn luyện viên Vũ Hồng Việt tiếp quản đội bóng và đem về 2 trận thắng liên tiếp, đang yên ổn thì chẳng biết từ đâu lại xuất hiện thông tin, lãnh đạo đội bóng thành Nam đã “đặt cọc” để chạy đua trong phi vụ chuyển nhượng theo kiểu combo để đưa về sân Thiên Trường các “hảo thủ” đang thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai như Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy… Rồi Công Phượng nhiều khả năng sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh “trải thảm” …
Đúng là cuối mùa giải năm nay, nhiều cầu thủ đang thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai sẽ hết hợp đồng đào tạo trẻ và có quyền lựa chọn để tìm bến đỗ mới. Bầu Đức cũng chẳng hẹp hòi hay có ý giữ chân, ngăn cản khi Hoàng Anh Gia Lai đang thừa quân và cho nhiều đội bóng khác mượn thi đấu tại giải hạng Nhất và cả V.League. Nhưng chuyện đâu còn đó, mùa giải chưa kết thúc mà đã sồn sồn chuyện Văn Thanh được ra giá 4 tỷ đồng lót tay mỗi mùa bóng hay Xuân Trường, Văn Toàn có giá ít nhất 7 đến 8 tỷ đồng cho một năm chuyển nhượng trong hợp đồng. Lại có tin, Hồng Duy bị “dìm giá” xuống còn 2,5 tỷ đồng lót tay mỗi mùa giải. Ngoài mấy tay cò môi giới thì còn ai rảnh rỗi mà ra giá rồi tự tung hứng theo kiểu dìm xuống, nâng lên để gài bẫy con mồi.
Chẳng có gì lạ khi lãnh đạo câu lạc bộ Hà Nội chỉ cười nhạt trước tin đồn, đội bóng Thủ đô đang theo đuổi Văn Toàn. Đúng là trên thị trường chuyển nhượng bát nháo như ở V.League, điều gì cũng có thể xảy ra nhưng bịa ra chuyện Hà Nội FC vì Văn Quyết nên không có chuyện mua Văn Toàn cũng chỉ là võ đoán. Đôi khi, chỉ một câu nói hớ hênh của cầu thủ cũng bị suy diễn và lèo lái theo chiều hướng rất chủ quan. Mới đây nhất là vụ câu lạc bộ Sài Gòn bị tố “đi đêm” với tiền đạo Victor Mansaray khi tự ý thương lượng hợp đồng mà không thông qua Công ty đại diện hợp pháp của cầu thủ. Chân sút người Mỹ sau đó được Nam Định đưa về thi đấu ở phần còn lại của mùa bóng. Thực hư như thế nào chỉ người trong cuộc mới rõ và đằng sau sự hào nhoáng của những bản hợp đồng, bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại những bí mật và cả mặt trái ở thị trường chuyển nhượng cầu thủ.
Xung quanh những bản hợp đồng của cầu thủ là cả một thế giới với những quan hệ phức tạp và những phi vụ làm ăn béo bở giữa những người môi giới cả hợp pháp lẫn cò bóng đá, tranh thủ kiếm tiền với những khoản hoa hồng lót tay và chi riêng cho từng khâu trung gian. Thế mới có chuyện cầu thủ ngoại được câu lạc bộ mua về nhưng chất lượng quá kém, không được ra sân lại đi kiện ngược huấn luyện viên và lãnh đạo đội bóng với lý do đã chi tiền hoa hồng đầy đủ để được thi đấu mà vẫn phải ngồi ngoài. Chưa nói tới cái lệ “phí lót tay” vốn được công khai như khoản tiền hợp pháp để mua hợp đồng theo thời hạn, nhưng thực chất lại sinh ra rất nhiều chuyện “dở khóc dở cười” khi cầu thủ bị quỵt tiền hoặc nợ nần dây dưa dẫn đến chuyện đình công tập thể như đã từng xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Cần Thơ.
Chung quy lại những chiêu trò PR ồn ào để dọn đường cho những bản hợp đồng tương lai với các cầu thủ thuộc dạng tiềm năng cũng chẳng khác gì “bán trăng dưới đáy nước” để kiếm chác, khác hẳn với giá trị cầu thủ được xác định rõ ràng trên Transfermarkt hay các trang chuyển nhượng và định giá cầu thủ chuyên nghiệp trên thế giới.