Việt Nam - Thụy Điển thúc đẩy hợp tác văn hóa, phát huy giá trị di sản

Sáng ngày 6/9/2024 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển năm 2024 nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với bà Karin Svanborg-Sjövall, Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa Thụy Điển.

quang-canh-buoi-lam-viec-thuy-dienjpg-1725856028.crdownload
Quang cảnh buổi làm việc

Cùng tham dự buổi tiếp, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đào Tạo; bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin kiêm Tổng Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc và ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Về phía Thụy Điển, có đại diện Bộ Ngoại giao Thụy Điển.

Tại buổi tiếp, bà Karin Svanborg-Sjövall bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang thăm và làm việc với Bộ Văn hóa Thụy Điển nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bà Karin nhấn mạnh văn hóa là cầu nối giữa các quốc gia và khẳng định Việt Nam và Thụy Điển có nhiều điểm chung để khai thác tiềm năng hợp tác phát triển văn hóa.

z5811942933397-36d53bcb29058f1fddfd8bacc15306a2-1725856317.jpg
Đoàn công tác Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam

Trao đổi về quan hệ hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, là đối tác truyền thống quan trọng của Việt Nam. Cùng với những thành tựu mà hai bên đã đạt được trong 55 năm qua trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, môi trường,… Thứ trưởng nhấn mạnh văn hóa là một trong lĩnh vực ưu tiên mà Việt Nam dành sự quan tâm và mong muốn tăng cường hợp tác với phía Thụy Điển. Thứ trưởng đánh giá cao và trân trọng sự hỗ trợ của phía Thụy Điển đối với các dự án hợp tác về văn hóa - thông tin và các dự án hợp tác vùng trong lĩnh vực thư viện, quản lý di sản và bảo tàng, sân khấu, văn học,..., đồng thời, đề nghị Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách văn hóa, nâng cao năng lực trong quản lý văn hóa.

Thứ trưởng cũng bày tỏ ấn tượng cá nhân về đất nước Thụy Điển tươi đẹp, môi trường xanh, thân thiện, cho biết Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận và đề xuất phía Bạn chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý và bảo tồn các di sản hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững. 

Trong cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là UNESCO, Thứ trưởng đề nghị phía Thụy Điển tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau và hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng chia sẻ hiện nay Việt Nam đang nghiên cứu gia nhập Công ước UNESCO 2001 về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Trên cơ sở kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc khai quật di sản văn hóa dưới nước, trong đó con tàu Vasa là biểu tượng lịch sử, là minh chứng rõ nét cho việc khai thác và bảo quản di sản của Thụy Điển, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề xuất phía bạn hỗ trợ trao đổi chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật và giúp đỡ Việt Nam trong việc khai quật các di sản văn hóa dưới nước đảm bảo tính nguyên vẹn và bảo quản một cách hiệu quả.

z5811942735304-1c6da86975ee77d893286a79c6b6ecf2-1725856317.jpg
Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa Thụy Điển Karin Svanborg-Sjövall và các thành viên Bộ Văn hóa Thụy Điển

Lắng nghe những đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, bà Karin Svanborg-Sjövall khẳng định bảo tồn di sản văn hóa là một trong những ưu tiên trong chính sách của Bộ Văn hóa Thụy Điển, đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các bên để không chỉ bảo tồn, giữ gìn những giá trị của di sản văn hóa của quá khứ mà còn phát huy giá trị di sản trong tương lai. 

Bà Karin cho biết ngân sách của Chính phủ Thụy Điển mang tính phi tập trung và có sự phân bổ đa dạng dựa vào các mức độ hợp tác khác nhau. Đồng thời, bà Karin hoan nghênh và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong cơ chế UNESCO. Về lĩnh vực bảo vệ di sản dưới nước, bà Karin chia sẻ khi nhắc đến Bảo tàng Vasa là nói đến niềm tự hào của Thụy Điển và thể hiện thế mạnh của Thụy Điển trong việc khai quật và phục dựng trưng bày di sản văn hóa dưới nước. Bà cho biết hiện Bảo tàng Vasa đang áp dụng công nghệ số hóa để tái hiện các hiện vật không thể khai quật, tránh ảnh hưởng đến nguyên bản di sản và mong muốn lan tỏa phương pháp này đến các quốc gia.

z5811945183472-72d62f19c6c9f305315b09a3b494fdda-1725856317.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Nhân dịp này, bà Karin bày tỏ quan tâm mô hình phát triển di sản gắn với phát triển du lịch của Việt Nam và trao đổi về các giải pháp nhằm cân bằng giữa việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Về nội dung này, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mời bà Karin ghé thăm Việt Nam để giới thiệu mô hình tiêu biểu của Việt Nam trong đó có Quần thể danh thắng Tràng An, chia sẻ đây là di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận và đã rất thành công trong việc kết hợp bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch bền vững và cũng là nơi đã đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao của UNESCO, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp của cộng đồng người dân - chủ thể di sản.

Trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo văn hóa nghệ thuật giữa Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Học viện Âm nhạc Malmo (Đại học Lund, Thụy Điển) được ký kết năm 2024 nhằm triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Thụy Điển trên lĩnh vực văn hóa, với trọng tâm về đào tạo nhân lực.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa. Phía Thụy Điển tin tưởng rằng, sự kiện Tuần Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển năm 2024 sẽ thành công rực rỡ và là dấu mốc quan trọng, nền tảng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Việt Nam - Thụy Điển trong tương lai.

Ng.Oanh