Việt Nam thành lập đội tuyển Bokator tham dự SEA Games 32

Để chuẩn bị cho SEA Games 32, mới đây, đội tuyển đội tuyển Bokator Việt Nam đã được thành lập. Nhiệm vụ tranh tài môn Bokator - võ thuật cổ truyền Campuchia tại SEA Games 32 sẽ được giao cho đội tuyển Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

vo-1-1675227994.jpg
Bokator (Võ cổ truyền Campuchia) sẽ xuất hiện ở SEA Games 32

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng (Tổng cục Thể dục thể thao), Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam) - cho biết: "Võ Cổ truyền Việt Nam chuẩn bị thành lập đội tuyển quốc gia tham dự thi đấu môn Kun Bokator tại SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia năm 2023. Nhiệm vụ được giao này thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo các cấp đặc biệt là Tổng cục Thể dục thể thao. Võ cổ truyền Việt Nam sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và thông qua sự kiện này, lan toả những giá trị tốt đẹp nhất tới bạn bè các nước trong khu vực, bước đầu đặt nền móng cho sự phát triển vững chắc của Võ Cổ truyền Việt Nam trong tương lai".

Nước chủ nhà Campuchia mới đây đã công bố các môn thi đấu chính thức tại SEA Games 32, bao gồm việc đưa trở lại một số môn võ như Arnis (Võ gậy), thêm vào các môn võ truyền thống như Bokator, Võ thuật Khmer (Kun Khmer).

Bokator là môn võ thuật truyền thống của Campuchia bao gồm các kĩ thuật chiến đấu tay không và binh khí. Với Bokator thể thao, võ sĩ sử dụng găng tay hở ngón và được phép tấn công bằng các đòn đấm-đá-chỏ-gối, vật ngã. Những năm gần đây nó phổ biến trở lại ở Campuchia. Nhiều võ sĩ MMA (Mixed Martial Art) thành công trên đấu trường quốc tế cũng nhờ nền tảng chiến đấu của võ Bokator.

vo-3-1675227995.jpg
Ống tre vừa là vật bảo vệ, vừa là công cụ chiến đấu

Từ tháng 9/2021, bộ Luật thi đấu mới của võ cổ truyền Việt Nam đã cho phép sử dụng thêm các tình huống đánh chỏ-gối, quật ngã trong các giải đấu thuộc hệ thống Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam, do đó, các võ sĩ sẽ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận luật thi đấu Bokator tại SEA Games 32.

Theo các nhà nghiên cứu võ học Campuchia thì Bokator của Campuchia phát triển những năm gần đây có sự hiện đại hóa qua đòn miếng. Nó bị quên lãng một thời gian dài là vì trước đây môn võ cổ truyền này được các lực lượng của Khmer Đỏ dùng rất nhiều, sau đó chế độ diệt chủng này bị tiêu diệt thì nó gắn liền với tiếng “xấu”. Tuy nhiên, những năm gần đây, người ta nhìn nhận đúng về nó nên Bokator được phục hồi và phát triển.

Võ cổ truyền Bokator của Campuchia đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới phi vật thể.

P.V