Là kỳ họp trực tiếp đầu tiên của Hội đồng điều hành sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, các thành viên dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình phát triển của lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật trên thế giới thời kỳ hậu COVID, nhận định những thách thức ngắn hạn và trung hạn, trong đó có các vấn đề cần giải quyết như nguy cơ cắt giảm và tái phân bổ ngân sách, hỗ trợ các tổ chức văn hóa, nghệ thuật tái cơ cấu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh; chính sách an sinh cho nghệ sỹ; tăng cường đối tác công - tư, sự cần thiết đòi hỏi Nhà nước đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, tạo lập hệ sinh thái cho các ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo…
Tại Hội nghị, đại biểu Việt Nam đã chia sẻ về kết quả Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức vào tháng 11 năm 2021, một sự kiện mang tính lịch sử của ngành văn hoá trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò của văn hoá là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước bền vững. Bà Nguyễn Phương Hoà cũng trao đổi về các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược Phát triển Văn hoá đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành và đặc biệt các nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 nhằm tăng cường đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với vai trò, vị trí của ngành trong điều kiện phát triển chung của đất nước.
Hội đồng điều hành thảo luận việc triển khai Chiến lược mới của IFACCA giai đoạn 2021-2026, khả năng đáp ứng của tổ chức đối với nhu cầu của các nước thành viên. Trên cơ sở báo cáo phân tích của Ban thư ký, các thành viên quan tâm thảo luận vấn đề mang tính chiến lược là công tác mở rộng thành viên, tạo điều kiện cho sự tham gia sâu rộng hơn của các nước đang phát triển.
Hội đồng điều hành cũng thảo luận về tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, định vị vai trò của các Hội đồng nghệ thuật, cơ quan văn hoá và tổ chức IFACCA trong việc duy trì kênh đối thoại, tạo lập môi trường thuận lợi để người dân tham gia đầy đủ vào đời sống văn hoá, thực hành các quyền văn hoá, sáng tạo. IFACCA tiếp tục là 1 liên đoàn quốc tế duy trì đối thoại, chia sẻ, học hỏi các vấn đề quan tâm chung toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự sau 2030.
Bên cạnh các vấn đề cụ thể như chuẩn bị phương án nhân sự cho Đại hội đồng IFACCA tại Mexico tháng 9/2022 trong đó chú trọng vấn đề bình đẳng giới và tính đại diện của các nước đang phát triển, IFACCA sẽ đóng vai trò quan trọng hơn, tham gia sâu hơn về mặt nội dung đối với các cuộc thảo luận trong chương trình nghị sự của Hội nghị về Chính sách văn hoá và Phát triển bền vững Mondialcult do UNESCO triệu tập.
Cũng tại kỳ họp lần này, Hội đồng Nghệ thuật Thuỵ điển và Ban Thư ký IFACCA thông báo Tài liệu thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh Văn hoá tổ chức vào tháng 5/2023 tại Stockholm với chủ đề “Bảo vệ quyền tự do sáng tạo của nghệ sỹ” sẽ được công bố vào 10/5/2022 trong 1 sự kiện online. Kỳ họp tiếp theo của Hội đồng điều hành IFACCA diễn ra vào đầu tháng 6 dưới hình thức trực tuyến sẽ thảo luận kỹ hơn các nội dung liên quan đến Hội nghị Thượng đỉnh Văn hoá Stockholm.