Việt Nam lan tỏa thông điệp chung tay thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới 

Những năm qua, trong những điều kiện mới, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày càng được Đảng ta chú trọng, tạo điều kiện để giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

bo-truong-gap-go-tong-giam-doc-unesco-1707209418.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Tổng giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định: Việt Nam coi văn hóa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Trong các chương trình hành động, Chính phủ đều thiết kế khung chính sách văn hóa tiến bộ, đáp ứng quyền công dân trong việc thụ hưởng và tham gia vào đời sống văn hóa.

Trong cuộc gặp gỡ với bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO - tại Paris (Pháp) tháng 11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Là một thành viên tích cực, trách nhiệm của UNESCO, Việt Nam mong muốn lan tỏa thông điệp, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thành viên cùng chung tay thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới trên phạm vi toàn cầu, góp phần gìn giữ, truyền bá những kho tàng văn hóa quý giá này đến các thế hệ tương lai.

Năm 2023, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đón nhiều tin vui, trong đó phải nói đến niềm tự hào của những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản. Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; được bầu là Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Đà Lạt, Hội An tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO; Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO ra Nghị quyết vinh danh và cùng tổ chức kỷ niệm. Tất cả những điều này là niềm tự hào của chúng ta, góp phần mạnh mẽ giới thiệu hình ảnh Việt Nam năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế song vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc đân tộc, lan tỏa tới bạn bè quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững đất nước.

Việt Nam - thành viên tích cực, nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại

Ngày 22/11/2023 tại thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu ủng hộ rất cao.

Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp nhận xét: Đây là lần thứ hai chúng ta đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.

viet-nam-tham-gia-thanh-vien-cong-uoc-1707210630.jpeg
Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027

Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của ta trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đóng góp thiết thực của ta trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, trên thế giới. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, quá trình vận động bài bản, đồng bộ, rộng khắp với các đối tác quốc tế ở Hà Nội, Paris (Pháp), và thủ đô các nước thông qua các cơ quan đại diện.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO - nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia cùng lúc 5 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO (Phó Chủ tịch Đại hội đồng; Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO; Thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể; Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới cho thấy sự tin tưởng và ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam tại tổ chức đa phương toàn cầu này.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực hơn trong chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung, văn hóa nói riêng, nâng nhận thức về tầm quan trọng của di sản - nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa, gắn kết xã hội, động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thành viên tham dự Kỳ họp, đại diện nhóm chuyên gia của Việt Nam - cho biết: Việt Nam tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987 đến nay, Việt Nam đã luôn thực hiện nhiều nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần của Công ước vào các Luật, Chương trình, Dự án liên quan di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế - xã hội.

Với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên khác đảm nhận trọng trách giám sát việc thực thi Công ước; Bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của 1199 di sản thế giới trên toàn cầu; Xem xét các tiêu chí để ghi danh các di sản thế giới mới nhằm gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững của thế giới.

Trong tiếp xúc đối ngoại, các quốc gia thành viên đều đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hiện có, đồng thời đang xây dựng các hồ sơ mới, qua đó góp phần làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại. Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ, phát huy di sản thế giới là bài học tốt cho nhiều quốc gia, đóng góp vào việc thực thi Công ước hiệu quả, góp phần bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên cho nhân loại, sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Việt Nam đã khẳng định là một trong những nước thành viên tích cực tham gia các Công ước của tổ chức UNESCO (phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO), đóng góp kinh nghiệm, thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn di sản văn hóa của nhân loại.

Di sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

trang-an-1707209526.jpg
Danh thắng Tràng An. Ảnh: St

Theo Cục Di sản văn hóa, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; 15 Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 9 Di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 130 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê; 498 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hệ thống bảo tàng có 196 bảo tàng (gồm 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.

Thời gian qua, thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án về và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Quần thể di tích cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút hàng triệu khách. Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh) đã thu hút hơn 6 triệu lượt. Năm 2019, riêng 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng hơn 21.000 khách du lịch với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng hơn 3.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch tại các di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thế giới không chỉ tạo điều kiện để các hoạt động dịch vụ du lịch như khu vui chơi, giải trí, cáp treo, nhà hàng, khách sạn, xe điện, ca nhạc, nhiếp ảnh... phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành Giao thông hoạt động mạnh mẽ hơn. Sự gia tăng đáng kể về lượt khách thăm và các hoạt động du lịch, dịch vụ tại các điểm di sản tiêu biểu đã hàm chứa trong đó nhiều thực tiễn điển hình của quá trình giảm nghèo, thông qua việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương nơi có di sản, đóng góp vào phát triển bền vững.

hoang-thanh-thang-long-1707209576.jpg
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: St

Nguồn thu từ ngành Du lịch dịch vụ thương mại nói chung, từ các Di sản thế giới nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của các địa phương. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới diễn ra tại Quần thể danh thắng Tràng An vào tháng 9/2022. Tổng Giám đốc UNESCO bà Audrey Azoulay đã nói: “Hôm qua tôi có dịp được thấy Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên như thế nào. Đây chính là lý do vì sao UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cộng đồng ở địa phương”.

Luật Di sản văn hóa khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Di sản văn hóa là “tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”. Mà “bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”.

trinh-dien-quan-ho-bac-ninh-1707209940.jpg
Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: St

Vì vậy, di sản văn hóa không chỉ là nguồn lực đóng góp phát triển kinh tế - xã hội bền vững mà còn có giá trị tinh thần lớn lao, biểu hiện ở chỗ, di sản văn hóa góp phần xây dựng môi trường xã hội Việt Nam lành mạnh, có văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại, với tư cách là nguồn nhân lực chủ yếu, tạo nên sức mạnh đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

T.H