Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa 

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam với sự chủ động, tích cực đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo tồn, phát triển văn hóa trong năm 2023. Việt Nam là quốc gia giàu kinh nghiệm, có đủ năng lực để thực hiện vai trò cố vấn cho các quốc gia khác thuộc UNESCO. Có thể khẳng định, Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

phat-bieu-1705571868.jpg
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị

Sáng ngày 18/1, tại Hà Nội, Tiểu ban Văn hóa (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hóa chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa, Thường trực Tiểu ban Văn hóa cho biết: Tiếp tục thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025, năm 2023, Tiểu ban Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác văn hóa, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong cơ chế UNESCO, thể hiện qua sự kiện nổi bật như: Việt Nam trúng cử Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, đưa Việt Nam lần đầu tiên giữ nhiều vị trí quan trọng trong UNESCO (Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban liên Chính phủ 03 Công ước về văn hóa); tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2003; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới; Hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo…

Trên tổng số nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch công tác năm 2023, Tiểu ban Văn hóa đã hoàn thành 61/63 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 96,8%). Trong đó, 02 hoạt động do Tiểu ban Văn hóa triển khai thực hiện nằm trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023 (Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027).

Về công tác quản lý nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được xây dựng theo đúng tiến độ.

Việt Nam tham gia đầy đủ và tích cực vào các Công ước của UNESCO như: Công ước UNESCO về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; Công ước UNESCO 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa; Chương trình Ký ức Thế giới; Công ước UNESCO về phòng chống doping trong thể thao…

Bên cạnh đó là các nhiệm vụ như tổ chức Hội thảo; xây dựng nội dung tham dự kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 216 và 217, kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42, kỳ họp lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước UNESCO về phòng chống doping trong thể thao diễn ra tại Paris (Pháp) năm 2023; tham dự các Hội nghị, Hội thảo, Chương trình giao lưu hợp tác trong lĩnh vực Di sản văn hóa tại các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Ả rập xê út... Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, trong đó trọng tâm là các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Du lịch… cũng được đẩy mạnh thực hiện.

Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban như: nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hiệu quả đầu tư chưa cao; Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung cũng như giỏi ngoại ngữ để tham gia ngày càng sâu rộng vào các tổ chức quốc tế về di sản văn hóa; Các tiêu chí về di sản tư liệu đã được nêu rõ trong Khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản tư liệu, tuy nhiên, chưa được xây dựng cụ thể trong các văn bản pháp lý tại Việt Nam để hướng dẫn cho các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ di sản tư liệu. Đối với di sản văn hóa thuộc Chương trình Ký ức thế giới hiện chưa được quy định trong Luật di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình di sản văn hóa này….

truong-dai-dien-1705571971.jpg
Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam - phát biểu

Tại Hội nghị, Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam - đã chúc mừng những thành tựu vượt bậc của Việt Nam trong năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, trong đó, có lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Ông Jonathan Wallace Baker khẳng định, Việt Nam với sự chủ động, tích cực đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo tồn, phát triển văn hóa trong năm 2023. Những kết quả đó đến từ sự định hướng rõ ràng của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự nỗ lực của Tiểu ban Văn hóa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Việc Việt Nam trở thành thành viên của 3 Công ước về văn hoá, trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, tích cực tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO đã thể hiện uy tín, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp của Việt Nam trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá; thể hiện Việt Nam là quốc gia giàu kinh nghiệm, có đủ năng lực để thực hiện vai trò cố vấn cho các quốc gia khác thuộc UNESCO. Có thể khẳng định, Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Phát biểu tại phiên họp, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đánh giá, việc hoàn thành 61/63 nhiệm vụ đã cho thấy những nỗ lực cũng như những đóng góp của Tiểu ban trong triển khai các hoạt động của UNESCO. Đây cũng là khối lượng công việc có sự phong phú, trải rộng trên tất cả lĩnh vực, thể hiện rõ vai trò của một Tiểu ban.

Theo Thứ trưởng, việc Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vị trí quan trọng tại 3 Công ước về văn hóa của UNESCO, trong đó có việc trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 thể hiện uy tín và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới nói chung, di sản thế giới ở Việt Nam nói riêng; góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong các cơ chế hoạt động của UNESCO, hỗ trợ các địa phương trong việc đề cử UNESCO công nhận Di sản thế giới những năm tới, như: Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương), Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang)… Đồng thời, cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục đóng góp kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

Đối với lộ trình gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, Thứ trưởng cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong đó có một kho tàng di sản văn hóa biển đa dạng với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời Việt Nam đã hợp tác với Hàn Quốc và cử cán bộ tham gia tập huấn nhằm học tập kinh nghiệm trong việc khai quật khảo cổ học dưới nước. Những bất cập của việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đang tồn tại, trong đó có những bất cập về công tác khai quật khảo cổ học dưới nước, công tác quy hoạch khảo cổ học dưới nước cũng như quy hoạch về di sản văn hóa dưới nước chưa được triển khai hiệu quả đã dẫn đến tình trạng thăm dò, khai thác bất hợp pháp di sản dưới nước của ngư dân, tình trạng xây dựng các công trình trên biển, khai thác tài nguyên biển của tư nhân dẫn đến hủy hoại các di sản dưới nước; thiếu chuyên gia vừa có kinh nghiệm, hiểu biết về chuyên môn khảo cổ vừa có kỹ năng lặn để thực hiện hoạt động khảo cổ học dưới nước; cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chuyên dụng cho hoạt động khảo cổ học dưới nước còn hạn chế.

thu-truong-cuong-chu-tri-1705571849.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Trong năm 2024, Thứ trưởng đề nghị Tiểu ban tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực về khai quật khảo cổ học, quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; nghiên cứu, xây dựng chương trình/dự án đầu tư điều kiện cơ sở vật chất để triển khai thực tiễn nhằm từng bước xây dựng, phát triển ngành Khảo cổ học dưới nước; nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung, các điều khoản của Công ước UNESCO 2001, trên cơ sở đó đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật, quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của Việt Nam dần tiệm cận với Công ước và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Tiểu ban Văn hóa tập trung các nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản văn hóa; phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ban, ngành liên quan xây dựng hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại các Công ước UNESCO, các tổ chức, diễn đàn liên quan đến UNESCO tại khu vực và quốc tế. Ngoài ra, nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch nghiên cứu lộ trình gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Thứ trưởng mong muốn UNESCO tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ với Việt Nam, nhất là về tri thức, ý tưởng, kinh nghiệm, các mô hình và danh hiệu; tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và tư vấn, ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam, cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh; trong đó có dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử.

Tại Hội nghị, các thành viên Tiểu ban cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đẩy mạnh vai trò điều phối, hỗ trợ Tiểu ban Văn hóa trong các hoạt động hợp tác chuyên môn với UNESCO. Đề nghị UNESCO tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực, cụ thể: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản tư liệu ở Việt Nam; Hỗ trợ chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xây dựng các hồ sơ đề cử là di sản thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu khu vực và thế giới; Hỗ trợ xây dựng đội ngũ chuyên gia của Việt Nam có đủ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và đối ngoại để tham gia các Ủy ban Liên Chính phủ, làm việc tại ban Thư ký hoặc làm tư vấn chuyên môn cho UNESCO… Tiếp tục nghiên cứu, tham gia và triển khai các Công ước của UNESCO: Hoàn thiện kế hoạch nghiên cứu lộ trình gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước…

H.A