Vì sao “Nóng cùng World Cup 2022” vướng phải làn sóng tranh cãi dữ dội?

"Nóng cùng World Cup 2022'' nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người hâm mộ môn thể thao Vua tại Việt Nam. Dường như mọi thứ vẫn không có nhiều sự thay đổi so với kỳ World Cup của 4 năm về trước. Thậm chí, làn sóng phẫn nộ và phản đối có phần quyết liệt hơn.

Sau khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thông báo đã sở hữu bản quyền World Cup 2022, ngay lập tức nhà đài đã tổ chức cuộc thi tuyển chọn 32 người đẹp để đại diện cho 32 đội tuyển tham dự giải đấu. Những cô gái xinh đẹp phải trải qua các vòng tuyển chọn từ năng khiếu, hình ảnh và kiến thức,… Ngoài ra các “hot girl” cũng phải trải qua giai đoạn rèn luyện kỹ năng trước ống kính máy quay.

Tại kỳ World Cup 2018, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đến kiến thức ngây ngô của các cô gái tham gia bình luận bóng đá trong thời điểm trước, giữa và sau trận đấu. Chắc hẳn, nhiều người hâm mộ tại Việt Nam không thể quên được khoảnh khắc cô gái “đại diện” cho Brazil từng có phát ngôn gây sốc khi nói rằng cô xem bóng đá từ năm 2000, 2002 với thế hệ của Ronaldo, Ronaldinho và… Pele. Nhưng trên thực tế, “Vua bóng đá” Pele đã giải nghệ từ năm 1977.

Trong trận đấu giữa đội tuyển Anh gặp Iran vào ngày 21/11, một cô gái tên C.T.T (đại diện cho Brazil) thu hút sự chú ý không chỉ về ngoại hình mà còn ở phần phát biểu ngây ngô trên sóng truyền hình ở thời điểm giải lao giữa 2 hiệp. Những cầu thủ như Mason Mount và Raheem Sterling đang thi đấu cho đội tuyển Anh nhưng cô lại cho rằng, họ đang “giúp Chelsea có thế trận chơi hoàn toàn chủ động”.

1-nong-cung-world-cup-2022-1669279555.jpg
32 cô gái đại diện cho 32 đội tuyển dự World Cup 2022

Như vậy, những vấn đề khiến “Nóng cùng World Cup 2022” gây ra nhiều tranh cãi nằm ở việc các cô gái thể hiện sự ngô nghê, thiếu kiến thức về bóng đá. Trong khi nhiều người hâm mộ lại mong muốn đón nhận những thông tin và góc nhìn chuyên sâu về từng tình huống trong trận đấu của những bình luận viên, biên tập viên có kinh nghiệm và giàu tính chuyên môn. Sự xuất hiện của các cô gái ngay trên sóng truyền hình dù vẫn còn nhiều khuyết điểm về yếu tố chuyên môn là điều khiến một bộ phận khán giả tại Việt Nam lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cũng đã bày tỏ quan điểm về vụ việc các cô gái tham gia bình luận bóng đá, ông chia sẻ: “Trong mọi trận đấu bóng đá, bình luận viên là phần vô cùng hấp dẫn và quan trọng. Đặc biệt trong giải đấu lớn nhất hành tinh là World Cup.

Tôi rất cần và rất thích nghe các bình luận viên chuyên nghiệp thấu hiểu bóng đá bình luận trước, trong và sau trận đấu. Bình luận chuyên nghiệp sẽ làm cho người hâm mộ hiểu thêm về bóng đá, về đấu pháp trận đấu, về những diễn biến trận đấu và những thông tin mới mẻ về huấn luyện viên và cầu thủ”.

2-nong-cung-world-cup-2022-1669279555.jpg
Các “hot girl” liên tục thể hiện khuyết điểm về kiến thức bóng đá ngây ngô, sáo rỗng

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phương Mai gợi ý, thay vì chọn 32 cô nàng làm đại diện cho 32 đội bóng thì VTV nên mời các nữ tuyển thủ Việt Nam, rồi sau đó đưa ra những nội dung phù hợp với khả năng và sở trường của các nữ cầu thủ tham gia bình luận.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai viết: “Từ những thế hệ đầu tiên, họ đã luôn là những cô gái vàng, những chiến binh thực sự trên sân cỏ. Họ đã đem vinh quang về cho bản thân, đội tuyển và quê hương. Cùng với những đôi chân vẫn ngày ngày cày sân cỏ, nhiều người tuy đã rời cuộc chiến, nhưng kinh nghiệm, máu lửa và đam mê vẫn còn rực cháy.

Đưa họ lên chương trình quốc gia vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân”.

Ngoài ra, vị PGS.TS đang giảng dạy và nghiên cứu ngành Giao tiếp và Quản trị đa văn hoá cũng bày tỏ sự phản đối về việc hình ảnh và thông tin cá nhân của các cô gái bị chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Điều này cũng vô tình khiến các cô gái nhận nhiều lời bình luận khiếm nhã, dung tục từ những khán giả nam về ngoại hình, trang phục. Việc các cô gái bị bộ phận khán giả nam cười cợt cũng vì họ không có am hiểu về bóng đá, họ chỉ được chọn đại diện cho đội tuyển đó vì nhan sắc xinh đẹp, ăn mặc gợi cảm mà thôi.

3-nong-cung-world-cup-2022-1669279555.jpg
''Nóng cùng World Cup'' vấp phải những tranh cãi trái chiều ngay từ giải đấu năm 2018

Từ góc nhìn của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều khán giả cũng bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm phản đối các cô gái lên sóng truyền hình tham gia phần bình luận trước, giữa và sau mỗi trận đấu tại World Cup 2022.

Cũng có một bộ phận khán giả cho rằng, không nên quá khắt khe với các cô gái khi ở phần bình luận trận đấu vẫn có sự góp mặt của đội ngũ bình luận viên, biên tập viên có kiến thức chuyên môn sẽ đưa ra những nhận định sâu sắc hơn. Những khán giả đó cho rằng, vẫn nên để các cô gái tham gia chương trình nhưng sẽ theo một hướng đi khác mang tính giải trí đơn thuần và có một kịch bản riêng dành cho 32 người đẹp.

Làn sóng phẫn nộ từ người hâm mộ cũng khiến nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về việc các cô gái có thật sự đam mê với môn thể thao Vua hay không. Sự góp mặt của họ liệu có thật sự cần thiết hay không khi phần đông khán giả lại mong muốn thưởng thức một trận bóng đá trọn vẹn với phần nhận định sâu sắc giàu tính chuyên môn, nhất là khi trận bóng đá đó lại diễn ra ở một giải đấu chỉ diễn ra theo chu kỳ 4 năm 1 lần như World Cup.

Vĩnh Toàn