Từ bến Phù Khê, rực sáng một “mặt trời chân lý”

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, bộ phim truyện truyền hình “Bình minh phía trước” được ra mắt công chúng. Đây là bộ phim lịch sử có giá trị tinh thần sâu sắc được thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Hành trình tuổi trẻ, quá trình giác ngộ ánh sáng chân lý và những năm tháng hoạt động cách mạng đầy cam go, gian khổ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ những năm 1920-1940 được tái hiện chân thực và giàu cảm xúc qua 10 tập phim, thời lượng 45 phút/tập sẽ phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tác giả kịch bản và đạo diễn phim là NSƯT Bùi Tuấn Dũng - người đã gặt hái nhiều thành công ở dòng phim truyện nhựa, phim truyền hình về đề tài lịch sử với nhiều bộ phim lớn về chiến tranh và chân dung lãnh tụ.

tu-ben-1657333786.jpg
Từ bến Phù Khê, chàng thanh niên trẻ đất Kinh Bắc - Nguyễn Văn Cừ tìm thấy ánh sáng chân lý cách mạng (cảnh trong phim “Bình minh phía trước”).

Nguyễn Văn Cừ - Vì sao sáng chói

“Bình minh phía trước” kể câu chuyện cuộc sống của nhiều giai tầng ở một làng quê thời loạn vùng Kinh Bắc khoảng giữa thập niên 20 của thế kỷ trước. Người dân khắp nơi rơi vào cảnh lầm than, một cổ nhiều tròng, dưới sự áp chế của quan quân Pháp, cơ binh triều đình, tàn quân nhà Thanh... còn cả sự cướp bóc của thổ phỉ, trộm cướp, nghĩa binh, nông dân bần cùng nổi loạn. Lương dân sống trong sự nơm nớp, lo sợ trăm bề.

Bối cảnh xã hội ấy tác động trực tiếp vào suy nghĩ của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Cừ vốn từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, kiên định, mạnh mẽ, sáng láng và đầy nhiệt huyết. Anh xuất thân trong một gia đình nhà Nho, dòng dõi khai quốc công thần Nguyễn Trãi, thời hậu Lê, đời thứ 17 ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay thuộc phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn. Sinh ra giữa thời loạn lạc, chàng trai Kinh Bắc chứng kiến lương dân bị áp bức, giết hại, xã hội rối ren, kỷ cương rường cột quốc gia không có, chính sách thực dân hà khắc, phận làm dân xứ thuộc địa mong manh như con sâu cái kiến...

Trong khi đại đa số thanh niên có học thời đó mang lý tưởng cao nhất là được học hành, đỗ đạt, giàu có, vợ con đề huề, gia đình yên ấm, họ tộc nể trọng, về già vẫn mạnh khỏe, phong lưu, trường thọ... thì chàng trai đất Phù Khê - Nguyễn Văn Cừ không như vậy. Anh nhận thức được vị thế của mình không chỉ nằm trong thế giới quan nhỏ hẹp của cuộc đời kẻ sĩ giống như các bậc tiền bối, mà nhìn thấy rõ bản chất xã hội và con đường đi của mình. Trên con đường ấy luôn manh nha những vấn đề nhân sinh, dân tộc. Anh đã tìm tới những tổ chức tiền thân của Đảng khi đọc “Đường Kách mệnh” để rồi trở thành một nhân tố quan trọng của một thế hệ thanh niên yêu nước lúc bấy giờ.

Mặc dù cuộc sống gia đình anh đang gặp tấn bi kịch: Em trai mất, cha mù lòa bệnh tật qua đời trong khi bản thân không thể ở bên cạnh chăm sóc. Tình yêu đôi lứa không thành, bản thân bệnh tật, bị bắt đi bắt lại, nhiều lần ra tù vào khám, chịu sự tra tấn, hành hạ cả thể xác cũng như tinh thần. Song tất cả bi kịch không thể làm anh nao núng gục ngã mà ngày càng hun đúc, tôi rèn anh mạnh mẽ hơn.

Gạt bỏ niềm vui, hạnh phúc cá nhân vì mục tiêu, lý tưởng sống lớn lao hơn, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một nhà gây dựng, tổ chức, bảo vệ thông minh, quyết đoán, bản lĩnh với nhiều kỹ năng và kinh nghiệm phát triển Đảng. Cùng với những người đồng chí của mình, Nguyễn Văn Cừ khôn khéo vượt qua nhiều cạm bẫy để mở rộng, nối dài cánh tay hoạt động của Đảng ra khắp cả nước. Như một vì sao sáng chói băng qua bầu trời đen tối, bùng lên sáng lòa, Nguyễn Văn Cừ sau đó đã hy sinh anh dũng cho nền Độc lập - Tự do của Tổ quốc.

Ngoài mạch truyện chính khắc họa chân dung và hành trình giác ngộ cách mạng của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Cừ còn có hai mạch truyện phụ. Mạch truyện phụ thứ nhất đi sâu vào những mối quan hệ gia đình, bằng hữu, gia tộc của họ Nguyễn và các thế lực khác ở quê hương Phù Khê. Mạch truyện này khai thác khía cạnh lịch sử, văn hóa, lòng yêu nước, mâu thuẫn, quyền lợi và tình cảm của những tâm hồn, ý chí Việt qua nhiều thân phận, cuộc đời, từ đó làm bật lên những tác động từ thuở ấu thơ đã làm thay đổi nhận thức của nhân vật chính-Nguyễn Văn Cừ. Anh đã nhìn ra sai lầm của các bậc tiền bối để chọn con đường đi của mình. Truyện phim cũng khai thác những mối quan hệ tình yêu đôi lứa, tình anh em, cha con, thầy trò, bạn bè... xoay quanh nhân vật chính.

Mạch truyện phụ thứ hai tập trung khai thác tuyến nhân vật phản diện là những quan lại, cường hào ác bá, nhân sĩ chính tả, những kẻ đồng trang lứa đã từng đi chung với nhân vật chính một đoạn đường nhưng vì nhiều lý do mà thành kẻ thủ ác. Ngoài ra còn có những kẻ cơ hội, tham lam hoặc Việt gian, mật thám với bản chất của cái ác, sự tàn bạo, vô cảm, đớn hèn và phản bội.

Truyện phim xúc động, giàu tính triết học

Với mức độ hư cấu phù hợp để vẫn bảo đảm tính chân thực lịch sử, “Bình minh phía trước” được xây dựng qua ba mạch truyện gắn quện, bện thắt và song song tồn tại để bộ phim đứng vững trong thế chân kiềng, đạt hiệu quả tư tưởng lịch sử mà vẫn mềm hóa, hấp dẫn tính nghệ thuật vốn có của một bộ phim truyện truyền hình. Như chia sẻ của Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng: Phim là sự mã hóa có ý đồ về ảnh hưởng của Khổng Tử và các triết gia phương Đông, phương Tây vào hệ thống nhân vật cùng chất keo dính là tình yêu thương, nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ và lòng vị tha.

poster-phimjpg1-1657334365.jpg
Poster phim "Bình minh phía trước" về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Bộ phim “Bình minh phía trước” được đầu tư công phu, kỹ lưỡng từ khâu kịch bản cho đến quá trình sản xuất. Đoàn làm phim đã khảo sát gần 20 địa phương trong cả nước, sau đó chọn được 13 tỉnh, thành phố khắp Bắc-Trung-Nam để dựng và quay phim. Với quá trình làm việc nghiêm túc, công phu, chuyên nghiệp của đạo diễn cùng ê-kíp, phim đã tái hiện chân thực không khí một giai đoạn lịch sử cách đây ngót 100 năm, từ nhà cửa, bến đò, mỏ than, chợ phiên, đình đền, công sở, trường học, phương tiện di chuyển cho đến ngôn ngữ, phong thái giao tiếp, ứng xử của các giai tầng trong xã hội lúc bấy giờ.

Hóa thân vào nhân vật chính Nguyễn Văn Cừ là diễn viên trẻ Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1994, một Việt kiều trở về từ Cộng hòa Séc. Thanh Tuấn tâm sự: Để hóa thân vào vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tôi đã dành nhiều tháng tìm đọc tài liệu liên quan đến ông và nghiên cứu vai diễn, rồi sau đó gần như thuộc lòng kịch bản. Ngoài ra, tôi cũng phải luyện tập rất nhiều kỹ năng như côn đao, quyền cước từ nhiều tháng trước khi quay, và cũng phải tìm hiểu phong thái, chăm chút hình thể để phù hợp chân dung nhân vật.

Cùng với vai diễn chính thành công, các vai diễn khác cũng tạo ấn tượng trong vai trò chính diện và phản diện, có thể kể đến những nghệ sĩ tên tuổi tiêu biểu như: NSƯT Vũ Đình Thân vai ông Đồ Quán; NSƯT Hoàng Hải vai Đốc Lộc; diễn viên Phạm Anh Tuấn vai Lý Tam; diễn viên Hứa Khải vai Lãnh Phong; diễn viên Việt Hoàng vai Ân; diễn viên Thục Anh vai Na; diễn viên Nguyễn Huyền Trang vai Bà Tư...

Là bộ phim truyện đầu tiên về chân dung Tổng Bí thư của Đảng, “Bình minh phía trước” được đánh giá có nội dung tư tưởng, chất lượng tốt, đậm tính nhân văn và có giá trị xã hội cao; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đất nước những năm đầu thế kỷ XX, một thời kỳ cách mạng đầy cam go, gian khổ cùng tinh thần quả cảm, hy sinh của một thế hệ thanh niên yêu nước, trong đó có các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng mà chân dung trung tâm là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Thanh Lâm