Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội: 65 năm song hành cùng Thể thao Việt Nam

Hôm nay (ngày 19/11), Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Suốt chiều dài 65 năm qua, Trung tâm đã song hành và phát triển cùng thể thao nước nhà. Trung tâm rất vinh dự và tự hào khi được đóng góp nhiều thành tích cho Thể thao Việt Nam, xứng danh là "cái nôi" đào tạo, huấn luyện vận động viên dẫn đầu cả nước.

Với những đóng góp cho nền thể thao nước nhà, Trung tâm được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua và các danh hiệu khác.

Những ngày đầu gian khó

Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội được thành lập ngày 19/11/1959 với tên gọi ban đầu là Trường Huấn luyện Kỹ thuật Thể dục thể thao Trung ương. 10 năm sau (1969), Trường được đổi tên thành Khu tập huấn Thể dục thể thao Trung ương. Năm 1989, Khu tập huấn lại được nâng cấp, đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, phát triển mạnh mẽ, trở thành cánh chim đầu đàn của Thể thao Việt Nam.

cu-ta-1682043330-1731979194.jpeg
Đội tuyển cử tạ tích cực tập luyện

Trung tâm ra đời trong những năm tháng chiến tranh, huấn luyện viên, vận động viên thời kỳ này gặp muôn vàn gian khó bởi giặc Mỹ ném bom. Khu tập huấn thường thiếu vắng huấn luyện viên, vận động viên vì đa số phải đi về cơ sở, sát cánh cùng cán bộ ngành Thể thao lên Tây Bắc, trải khắp miền Bắc anh hùng để huấn luyện thanh thiếu niên tập luyện thể thao “Khỏe để bảo vệ tổ quốc”. Năm 1975 sau ngày giải phóng đất nước, nhiều cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của Khu tập huấn đã vào miền Nam mới được giải phóng để xây dựng phong trào thể thao, làm cầu nối thể thao giữa 2 miền của Tổ quốc. Năm 1990, Khu huấn luyện được đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I. Đến năm 2009, Trung tâm có tên gọi Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội.

Những ngày đầu khi mới thành lập, Trung tâm có gần 100 vận động viên thuộc các môn: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Thể dục, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn… tập luyện trong những điều kiện trang thiết bị thô sơ. Vận động viên phải đi giày bata chạy trên sân xỉ than. Toàn Trung tâm chỉ có diện tích 9ha. Các thế hệ vận động viên thời kỳ này chủ yếu thi đấu giao hữu. Các vận động viên của Trường Huấn luyện Kỹ thuật thời đó đã có 2 lần tham dự Đại hội Thể thao các nước châu Á (GANEFO) năm 1963 và 1966. Đặc biệt, tại  kỳ GANEFO 1966 diễn ra tại Campuchia, vận động viên Trần Hữu Chỉ đã giành huy chương vàng nội dung chạy 400m vượt rào; vinh dự được Bác Hồ gặp mặt, tuyên dương thành tích và khen thưởng.

Những năm 1990 trở về trước cơ sở vật chất của Khu tập huấn rất nghèo nàn, thỉnh thoảng mới có các đội tuyển lên tập huấn trước các giải thi đấu. Từ năm 1993, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lê Bửu đã đưa ra chủ trương cho ngành Thể dục thể thao tập trung vào 3 mũi nhọn: Thể thao nâng cao, Đối ngoại và Thể thao phong trào. Bắt đầu từ đây, cơ sở vật chất của Trung tâm được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003, cơ sở vật chất của Trung tâm được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp. 

cau-may-1731979253.jpg
Đội tuyển cầu mây giành huy chương vàng ASIAD 19

Thời kỳ đầu, cán bộ, nhân viên của Trung tâm không tham gia trực tiếp vào trong công tác huấn luyện các đội tuyển bởi lúc đó chưa có đầy đủ các cán bộ khoa học để giám sát giúp các đội. Nhiệm vụ của Trung tâm chủ yếu lo ăn, ở cho các đội tuyển. Năm 1993, Trung tâm thành lập Phòng Huấn luyện để quản lý, giám sát vào công tác tập huấn của các đội tuyển. Từ đó, cán bộ của Trung tâm đã tham gia vào công tác huấn luyện của các huấn luyện viên và áp dụng khoa học trong công các quản lý. Hàng năm, Trung tâm có các chương trình kế hoạch huấn luyện đảm bảo cơ sở vật chất theo nhu cầu của các đội. Bữa ăn được đảm bảo theo yêu cầu của các đội. Nhờ vậy, thành tích của các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm tham gia các kỳ SEA Games, ASIAD... ngày một nâng cao.

Ghi dấu ấn qua các thời kỳ

Ngày nay, Trung tâm được mở rộng với diện tích gần 20ha ở 3 khu. Để có được không gian xanh, sạch, đẹp, tập thể cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội đã giành nhiều công sức phủ kín cây xanh ở cả 3 khu tập luyện, là điểm nhấn của phía Tây Hà Nội. Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Trung tâm lên tới gần 120 người với 8 phòng chức năng. Hàng năm, Trung tâm quản lý và phục vụ tập huấn gần 50 đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia với hơn 1.000 huấn luyện viên, vận động viên. Trung tâm đã tạo mọi điều kiện tập luyện và thi đấu tốt nhất cho các vận động viên. Đặc biệt, Trung tâm rất chú trọng công tác khám chữa bệnh, hồi phục sức khỏe cho vận động viên sau tập luyện hàng ngày. Vận động viên ăn 3 bữa/ngày phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ bổ dưỡng được quản lý rất nghiêm ngặt. Chỗ ở gọn gàng, sạch sẽ để cho vận động viên được thư giãn nghỉ ngơi sau mỗi buổi tập luyện vất vả. Huấn luyện tâm lý kết hợp giữa các huấn luyện viên, lãnh đạo của Trung tâm để mỗi vận động viên có ý thức nâng cao tính kỷ luật, tạo cho họ sự tin bởi khi ra thi đấu là rất nhiều mối lo như từ trọng tài, đối thủ, khán giả, áp lực thành tích dẫn đến nhiều vận động viên bị khủng hoảng về tâm lý. Để có thể làm tốt công tác phục vụ vận động viên đòi hỏi những người làm việc tại Trung tâm luôn phải có tâm.

Các vận động viên tập huấn tại Trung tâm qua các thế hệ đạt nhiều thành tích trong khu vực, châu lục và thế giới. Tiêu biểu như ở môn Điền kinh có: cố vận động viên Bùi Lương, Dương Đức Thủy, Đặng Thị Tèo, Bùi Thị Nhung, Vũ Thị Hương… đến thế hệ ngày nay như: Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh. Ở môn Bắn súng có: Trần Oanh, Quốc Cường, Mạnh Tường, Ngô Ngân Hà, Hoàng Xuân Vinh… Trịnh Thu Vinh, Phạm Quang Huy. Môn đấu Vật: Hữu Tình, Nguyễn Văn Luận, Lê Văn Sức, Mẫn Bá Xuân, Đới Đăng Hỷ… và nhiều môn thể thao khác đã đóng góp cho bảng vàng thành tích của Thể thao Việt Nam.

quang-huy-1731979307.jpg
Phạm Quang Huy (giữa) giành huy chương vàng ASIAD 19 năm 2023

Những con số ấn tượng: Các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic... các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm luôn đóng góp cho thể thao nước nhà 2/3 số lượng huy chương các loại. Tại SEA Games 15, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 3/3 huy chương vàng, 11/11 huy chương bạc, 3/5 huy chương đồng; SEA Games 17 giành 6/9 huy chương vàng, 5/6 huy chương bạc, 15/19 huy chương đồng; SEAGames 22 giành 133/156 huy chương vàng, 75/91 huy chương bạc, 82/93 huy chương đồng… Tại SEA Games 27, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 41/73 huy chương vàng, 36/86 huy chương bạc, 47/86 huy chương đồng; SEA Games 28 là 50/73 huy chương vàng, 39/53 huy chương bạc, 47/60 huy chương đồng; SEA Games 29, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 38/58 huy chương vàng, 36/50 huy chương bạc, 37/60 huy chương đồng cho đoàn Thể thao Việt Nam; SEA Games 31, vận động viên của Trung tâm đạt 127/205 huy chương vàng, 66/121 huy chương bạc, 85/115 huy chương đồng; SEA Games 32 các vận động viên của Trung tâm đạt 82/136 huy chương vàng, 46/105 huy chương bạc, 69/118 huy chương đồng… Tại ASIAD 16, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 1/1 huy chương vàng, 11/17 huy chương bạc, 12/15 huy chương đồng; ASIAD 17, các vận động viên giành 1/1 huy chương vàng, 8/10 huy chương bạc, 20/25 huy chương đồng; ASIAD 18 số lượng huy chương giành được 34/39 huy chương: 5/5 huy chương vàng, 13/15 huy chương bạc, 16/19 huy chương đồng của đoàn Thể thao Việt Nam. Tại ASIAD 19, Trung tâm tham dự với 21 đội tuyển thể thao, gồm 68 huấn luyện viên và 218 vận động viên. Thành tích đạt được gồm 21 huy chương các loại, trong đó 3/3 huy chương vàng, 4/5 huy chương bạc và 14/20 huy chương đồng của đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó đáng chú ý, Bắn súng giành tấm huy chương vàng ASIAD đầu tiên cho Thể thao Việt Nam; đây cũng là lần đầu tiên đội Kata (nội dung quyền môn Karate) giành huy chương vàng tại ASIAD và phải sau 17 năm chờ đợi, đội tuyển Cầu mây mới có được tấm huy chương vàng danh giá. Đặc biệt là ở Olympic Bắc Kinh 2008, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn giành huy chương bạc; tại Olympic Brazil năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc ở 2 nội dung thi đấu để giúp Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có huy chương vàng Olympic và lọt vào tốp 50 của thế giới.

Có được thành tích này trước hết là sự hy sinh khổ luyện của nhiều thế hệ vận động viên, huấn luyện viên, sự quan tâm của các cấp, các ngành; sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ủy ban Thể dục thể thao nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cục Thể dục thể thao. Bên cạnh đó, phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của các nhà chuyên môn, tập thể cán bộ, công nhân viên Trung tâm, những người đứng sau tấm huy chương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - cho biết: “Là người đứng đầu Trung tâm, tôi luôn trân trọng và ghi nhớ các thế hệ cha ông, các thầy cô, các huấn luyện viên, vận động viên đã mang cả cuộc đời của mình để đóng góp cho thể thao nước nhà, cho Trung tâm có lịch sử vẻ vang như ngày hôm nay. Chúng tôi luôn ghi nhớ sự đóng góp đó là sự căn dặn nhắc nhở luôn nỗ lực cố gắng phấn đấu, làm việc nhiệt huyết với tâm của mình để làm sao cho các vận động viên tỏa sáng. Tôi muốn nói với các huấn luyện viên, vận động viên rằng, đất nước của chúng ta đã trải qua nhiều khó khăn từ thời kỳ chiến tranh, rồi cấm vận cho đến ngày hôm nay, đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Các vận động viên khi về tập huấn tại Trung tâm hãy luôn mang trong mình khát vọng, niềm tin, niềm tự hào của gia đình, địa phương, đất nước (vượt qua mọi khó khăn, trở ngại) để thăng hoa trong tập luyện và thi đấu làm rạng danh cho đất nước”. 

nhon-1731979365.jpg
Tập thể cán bộ, công nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội

Với bề dày truyền thống 65 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, công nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội quyết tâm xây dựng Trung tâm phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều vào thành công chung của thể thao nước nhà, xứng đáng là đơn vị dẫn đầu trong các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia.

Thay mặt các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao, sự tin tưởng ủng hộ của các đơn vị thuộc Cục Thể dục thể thao, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Thể thao Công an, Quân đội và các Liên đoàn Thể thao Quốc gia. Xin cảm ơn người hâm mộ thể thao cả nước, các đơn vị tài trợ, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng Trung tâm. Xin cảm ơn tập thể cán bộ, công nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên đã cùng chung tay xây dựng để Trung tâm có được như ngày hôm nay.

Bài: Phương Mai - Ảnh: Quý Lượng