Chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang tổ chức Triển lãm “Không gian Di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống” tại Ninh Bình từ ngày 13 đến 19/11/2023.
Triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam; khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa du lịch, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Triển lãm gồm: Khu triển lãm chung sẽ giới thiệu không gian di sản văn hóa Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống thông qua hệ thống tư liệu, hiện vật và hơn 200 bức ảnh đẹp về di sản: Khu trưng bày các di sản được UNESCO vinh danh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam tập trung giới thiệu: các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới; di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới; di sản văn hóa phi vật thể; khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam; di sản tư liệu; công viên địa chất toàn cầu. Cùng với đó là những hình ảnh về di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các vùng miền trên cả nước.
Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc trong di sản văn hóa Việt Nam” do Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam thực hiện tập trung làm nổi bật những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào của các dân tộc Việt Nam thông qua các di sản văn hóa, đời sống văn hóa tinh thần, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, trang phục dân tộc… được chia theo 6 vùng miền từ Bắc vào Nam: Trung du miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, khu trưng bày ảnh “Du lịch qua các làng nghề truyền thống Việt Nam" giới thiệu 80 bức ảnh về những nghề truyền thống, làng nghề truyền thống tiêu biểu của các địa phương trong cả nước từ Bắc vào Nam. Tại khu vực này cũng trưng bày gần 100 tác phẩm đạt giải tại "Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023”, đây là những sản phẩm ý tưởng mới, có tính thẩm mỹ và kỹ năng cao, mang giá trị truyền thống, phù hợp với cuộc sống hiện nay, thân thiện với môi trường, có tiềm năng thị trường cao của các nghệ nhân; gồm các nhóm nghề: gốm sứ và thủy tinh; dệt, thêu đan, móc; mây, tre, lá; sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí.
Không gian của một số làng nghề cũng được tái hiện sinh động như: gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, gỗ Vân Hà, nón làng Chuông, lụa Vạn Phúc, thêu ren Thắng Lợi, mây tre đan Phú Vinh, gốm Bát Tràng, bánh kẹo truyền thống, hương Quảng Phú Cầu, sừng Thụy Ứng (Hà Nội); gốm Chu Đậu (Hải Dương); mỹ nghệ An Dương (Hải Phòng).
Các không gian trưng bày đặc sắc khác như: “Nghe lụa là gấm vóc kể chuyện” của hợp tác xã dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), “Áo dài Phú Xuân - nghệ thuật thêu tay truyền thống Huế”, trưng bày “Cổ phục Việt”, “Quạt giấy dó Việt Nam”, “Sản phẩm thay lời nói”, không gian văn hóa Trà, khu giới thiệu “Không gian du lịch văn hóa cộng đồng”.
Tổ hợp các hoạt động trải nghiệm, trình diễn tay nghề của nghệ nhân, thợ thủ công giỏi: đan tre, chằm nón, quay tơ, đánh ống, đan quạt, chần bông ghép vải, nặn gốm… giúp khách tham quan được trải nghiệm làm sản phẩm tại các không gian trưng bày.
Không gian sắc màu di sản văn hóa và danh thắng các tỉnh, thành phố: 15 tỉnh, thành phố tập trung giới thiệu các di sản văn hóa thiên nhiên tiêu biểu của từng địa phương, những điểm đến được du khách yêu thích; giới thiệu nét đặc sắc về sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững tại địa phương. Đồng thời giới thiệu đến công chúng các di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội đặc sắc, sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực, sản vật của từng địa phương.
Xuyên suốt các ngày diễn ra triển lãm là các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tôn vinh nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn di sản văn hóa vùng miền, chương trình giao lưu học sinh, sinh viên với chủ đề "Tuổi trẻ với Di sản Văn hóa Việt Nam", chương trình nghệ thuật "Về miền Di sản"…