Triển khai truyền thông chính sách bảo đảm rộng rãi, đa chiều

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc Phê duyệt Kế hoạch truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng.

bo-van-hoa-1728040349.jpg
Toạ đàm "Trao đổi về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc thực hiện quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023.

Mục đích Kế hoạch nhằm tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 407/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Triển khai truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ngành; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn; Việc truyền thông đảm bảo khách quan, khoa học, chính xác và kịp thời.

Kế hoạch truyền thông có một số nội dung sau: 

Đối tượng: Các chính sách có tác động lớn tới xã hội tại lập đề nghị xây dựng Nghị định, dự thảo Nghị định do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo trong năm 2023 và 2024. 

Phạm vi truyền thông trên báo in và báo Điện tử. 

Nội dung truyền thông các chính sách có tác động lớn tới xã hội tại lập đề nghị xây dựng Nghị định, dự thảo Nghị định do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo trong năm 2023 và 2024 chia thành các nhóm, bao gồm: 

Nhóm văn bản về mỹ thuật: Chính sách quản lý công trình mỹ thuật ngoài trời, triển lãm mỹ thuật trên không gian mạng, tượng đài, tranh hoành tráng. 

Nhóm văn bản về nghệ thuật biểu diễn và hoạt động văn học: Một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập; Chính sách khuyến khích sáng tác văn học nhằm hướng tới phát triển văn học, sáng tạo nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao; trại sáng tác, cuộc thi, giải thưởng văn học. 

Nhóm văn bản về đào tạo: Chính sách về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. - Nhóm văn bản về công tác gia đình; Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về gia đình; bình đẳng trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. 

Nhóm văn bản về quyền tác giả, quyền liên quan: Chế độ nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác. 

Nhóm các văn bản khác: Các nội dung liên quan đến công nghiệp văn hóa: cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam; hợp tác giữa Nhà nước và các doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hóa; một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực, đại diện cho các vùng, miền, địa phương. 

Việc truyền thông nội dung trên được thực hiện trong quý IV năm 2024.

Phương thức thực hiện: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời những chính sách, quy định mới, thay đổi so với chính sách, quy định hiện hành, nội dung tác động lớn đến xã hội, đối tượng chịu sự tác động của chính sách; biên soạn nội dung, tài liệu truyền thông để cung cấp cho cơ quan báo chí và cử nhân sự phù hợp tham gia phối hợp thực hiện truyền thông. 

Bảo đảm các biện pháp an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, trao đổi, thảo luận, phản hồi, phản biện xã hội để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Định hướng dư luận có ý kiến đối với các vấn đề mới, vấn đề còn có ý kiến khác nhau, vấn đề chuyên sâu đặc thù, tạo nên cầu nối thông suốt hai chiều (cơ quan nhà nước - xã hội) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chính sách. 

Hình thức thực hiện: Truyền thông trên báo in (dự kiến phát hành trên Báo Đại biểu nhân dân). Nội dung: truyền thông chính sách nhóm văn bản về quyền tác giả, quyền liên quan, công tác gia đình và nhóm các văn bản khác: 

Truyền thông trên báo điện tử (dự kiến phát hành trên chuyên trang thông tin chính sách và cuộc sống của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân). Nội dung: truyền thông chính sách nhóm văn bản về mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, hoạt động văn học và đào tạo. 

Vụ Pháp chế chủ trì, là đấu mối phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách; tổng hợp chương trình, nội dung tài liệu truyền thông do các đơn vị gửi đến; theo dõi tiến độ và phương thức truyền thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu. 

Các đơn vị chủ trì xây dựng lập đề nghị, văn bản quy phạm pháp luật tại mục 2 phần II Kế hoạch này, thực hiện: Rà soát các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội phải xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn ngọn, hình thức phong phú, sinh động để phát hành, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. 

Xác định trúng, đúng đối tượng chịu sự tác động của chính sách tại dự thảo hoặc văn bản quy phạm pháp luật để phối hợp với cơ quan báo chí về phương thức, hình thức truyền thông tại tiểu mục b, c mục 3 phần II Kế hoạch này phù hợp với đối tượng, nội dung. 

Nội dung truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề chủ yếu như: sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau; các nội dung quy định khác nhau giữa các văn bản; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi. 

Công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong và sau khi thực hiện truyền thông chính sách. 

TH