Tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025).

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo tại cuộc họp, các hoạt động tổng kết sẽ được triển khai trên 3 trụ cột, có sự gắn kết chặt chẽ, đó là: Nghiên cứu khoa học; Các hoạt động, sự kiện; Công tác thông tin, tuyên truyền. Từng tuyến nhiệm vụ đều được cụ thể hóa, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, thu hút sự tham gia của các cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Tại cuộc họp, đại diện các địa phương, tổ chức hội cũng đã báo cáo công tác triển khai kế hoạch, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp nhằm triển khai kế hoạch hiệu quả nhất.

quang-canh-cuoc-hop-ban-chi-dao-1713333742.jpeg
Quang cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tổng kết 50 năm nền văn hoá nghệ thuật nước nhà sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cần xác định tập trung vào nghiên cứu khoa học, dựa trên những luận cứ khoa học, để đánh giá sát đúng nền văn học nghệ thuật của nước nhà sau 50 năm thống nhất đất nước. Các nghiên cứu khoa học này cũng giúp cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian tới đối với văn học, nghệ thuật.

Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh về việc cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện, đầy đủ về 50 năm nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam và nên có sự thống nhất về mặt phương pháp triển khai kế hoạch, có bản đề cương tổng thể, có những tổng kết chuyên sâu ở từng chuyên ngành. Mục tiêu cuối cùng của việc triển khai kế hoạch là đánh giá được nền văn hoá nghệ thuật sau ngày thống nhất đất nước đến nay, đánh giá thành tựu, kết quả, nguyên nhân tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục; có thể phân chia từng giai đoạn phát triển và phải đặt bối cảnh phát triển trong tình hình chung của thế giới. Hội đồng Lý luận, phê bình văn hoá nghệ thuật Trung ương nên chắp bút tổng kết và đây sẽ là bản tổng kết hết sức công phu, đồ sộ.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhưng quan trọng phải là chất liệu truyền thông. Vì vậy, phải gắn trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu lý luận, có sự gắn kết giữa các khâu nghiên cứu, tổng kết, lý luận và truyền thông.

Kết luận cuộc họp, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, tổng kết 50 năm nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước là nhiệm vụ rất lớn với các hoạt động phong phú, toàn diện, với tinh thần “nhìn lại để bước tiếp. Do đó đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực đảm bảo tổ chức triển khai thực hiện; việc tổ chức các hội thảo khoa học cần huy động sự tham gia và đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đảm bảo chất lượng các báo cáo khoa học, góp phần xây dựng báo cáo tổng kết trình Ban Bí thư; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để tổ chức thành công Hội nghị văn nghệ toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất theo chỉ đạo của Ban Bí thư; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác tuyên truyền về các hoạt động tổng kết, từ đó phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu của văn học, nghệ thuật và vai trò, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.

H.A