Tham dự Tọa đàm về phía Việt Nam có ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương); ông Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.
Cùng dự còn có các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trường Đại học Thể dục thể thao, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các vận động viên tiểu biểu của Việt Nam. Về phía Trung Quốc có Giáo sư Hà Văn Nghĩa - Tổng Thư ký Cơ sở Nghiên cứu Kinh tế thể thao Trung Quốc (trường Đại học Bắc Kinh), Giáo viên Lớp vận động viên vô địch Olympic; Ông Hầu Côn - Ủy viên Ủy ban Di sản Văn hoá và Olympic (Ủy ban Olympic quốc tế); Ông Lỗ Hân - Người phụ trách các môn Thể thao điện tử (Ban Tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 - Hàng Châu).
Tọa đàm tập trung vào các chủ đề chính gồm: Sự phát triển kinh tế thể thao Trung Quốc và Việt Nam; Bảo vệ quyền lợi của vận động viên và hướng nghiệp vận động viên sau khi nghỉ thi đấu. Bên cạnh đó, 2 bên cũng chia sẻ một số thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 19 tại Hàng Châu - Trung Quốc và tình hình phát triển Thể thao Điện tử ở 2 nước.
Tại cuộc Tọa đàm, phía Trung Quốc đã chia sẻ một số biện pháp cải cách ngành Thể dục thể thao, nhiều văn bản, chính sách thúc đẩy ngành này đã được ban hành và thực thi. Ngành Thể dục thể thao không chỉ trở thành chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là trọng tâm để cải thiện "chỉ số hạnh phúc" và chất lượng cuộc sống của nhân dân nước này.
Trong 10 năm qua, sự hội nhập và phát triển của ngành Thể dục thể thao và các ngành khác tại Trung Quốc đã trở thành những yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến sự tương quan giữa ngành Thể dục thể thao và các ngành khác: Thể thao và Du lịch; Thể thao và Văn hóa; Thể thao và Giáo dục; Thể thao và Công tác chăm sóc người cao tuổi... Các ngành "Thể thao +" với những đặc thù riêng biệt sẽ giúp nâng cao sức khỏe con người, đáp ứng nhu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, trở thành lĩnh vực thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi của các vận động viên, việc sắp xếp việc làm sau khi giải nghệ không chỉ giúp cải thiện lợi ích cho vận động viên mà còn tăng cường phát triển đội ngũ chuyên môn của Thể thao nước nhà. Bằng cách khắc phục về mặt tâm lý cũng như đời sống cá nhân, các vận động viên mới yên tâm cống hiến cho sự nghiệp Thể dục thể thao, qua đó cố gắng thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.
Vào tháng 9 tới, Thể thao Điện tử (ESport) sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại ASIAD 19 ở Hàng Châu - Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường eSport, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời là một lĩnh vực hợp tác có triển vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các dự án Thể thao Điện tử của Trung Quốc đang được phát triển mạnh mẽ và đang dẫn đầu trên thế giới.
Nói về hiệu quả của cuộc Tọa đàm, ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - khẳng định: “Đây là minh chứng cho sự hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc. Sự kiện này là cơ hội thuận lợi để 2 nước tiếp tục tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi về lĩnh vực mới trong quản lý, phát triển thể thao và phong trào Olympic tương lai… góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao tinh thần thể thao của 2 nước theo đúng khẩu hiệu của Ủy ban Olympic quốc tế “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - Cùng nhau”.