Theo Quyết định, Bộ giao Cục Bản quyền tác giả chủ trì, thực hiện tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan". Thời gian thực hiện: Tháng 12 năm 2022. Thể lệ Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan" như sau:
Điều 1. Mục đích tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan" nhằm tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức pháp luật về QTG, QLQ.
Điều 2. Đối tượng dự thi: Là người có quốc tịch Việt Nam từ 16 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước (trừ các cán bộ, công chức, viên chức Cục Bản quyền tác giả, Thành viên Ban Tổ chức, Tổ giúp việc của Cuộc thi và những người có liên quan).
Điều 3. Hình thức thi: Thi trắc nghiệm và 1 câu tự luận trực tuyến trên mạng Internet. Thiết bị sử dụng: Máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet.
Điều 4. Thời gian thi: Thời gian thi được tiến hành từ ngày 01 đến hết ngày 25 tháng 12 năm 2022.
Điều 5. Nội dung thi: Kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan gồm các quy định về điều kiện bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan; xử lý vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan; đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan… theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2022 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. - Hiểu biết về quyền tác giả, quyền liên quan trong pháp luật các quốc gia trên thế giới. (Ban Tổ chức sẽ ban hành Bộ đề thi theo nội dung trên)
Điều 6. Cách thức thi và bài dự thi
6.1. Câu hỏi: Đề thi có hai phần: Phần 1 gồm 20 câu hỏi thi trắc nghiệm; Phần 2 là câu hỏi tự luận. 2 - Bài dự thi trả lời 20 câu hỏi theo thứ tự và trả lời 01 câu hỏi tự luận. Phần câu hỏi tự luận các thí sinh viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và trình bày không quá 08 trang A4 (không quá 4000 chữ).
6.2. Đăng ký tài khoản: Người dự thi tham gia thi trực tuyến trên website cuộc thi. Truy cập vào website, người dùng chọn mục "Đăng ký", nhập số điện thoại và nhận mã kích hoạt OTP (One Time Password) đến số điện thoại mà cá nhân dùng đăng ký thành viên để xác nhận đăng nhập. Mỗi cá nhân dự thi chỉ được đăng ký duy nhất 01 tài khoản dự thi bằng tiếng Việt. Các thông tin phải đầy đủ, chính xác, cụ thể như sau: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu; số điện thoại và email là có thể bắt đầu tham gia Cuộc thi. Lưu ý: Người dự thi phải điền đầy đủ tất cả các thông tin nêu trên thì mới được tham gia Cuộc thi. Trường hợp bài dự thi thể hiện bằng ngôn ngữ dưới định dạng dễ tiếp cận dành cho người khiếm thị thì gửi trực tiếp về địa chỉ: Cục Bản quyền tác giả, số 33, ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
6.3. Hướng dẫn thi: Người dự thi tiến hành các thao tác sau để trả lời câu hỏi thi của Ban Tổ chức:
Bước 1: Người dự thi truy cập vào website Cuộc thi, sau đó truy cập vào banner của Cuộc thi hoặc truy cập vào website Bản quyền tác giả Việt Nam sau đó truy cập vào banner của Cuộc thi.
Bước 2: Sau khi truy cập vào banner của Cuộc thi tại website Cuộc thi hoặc website Bản quyền tác giả Việt Nam người dự thi tiến hành đăng nhập vào tài khoản.
Bước 3: Người dự thi hoàn tất 20 câu hỏi trắc nghiệm; sau đó trình bày bài thi tự luận dưới dạng đánh máy và bấm vào ô "Hoàn thành" sau khi hoàn tất bài thi. Người dự thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm trong thời gian tối đa là 20 phút. Sau khi hoàn thành phần thi trắc nghiệm, người dự thi sẽ chuyển sang làm phần thi tự luận. Phần thi trắc nghiệm được phần mềm chấm điểm tự động, kết quả phần thi trắc nghiệm được hiển thị ngay sau khi người dự thi hoàn thành phần thi gồm: tổng điểm thi trắc nghiệm và thời gian hoàn thành phần thi.
Phần thi tự luận gồm 1 câu hỏi dưới hình thức tự luận, người dự thi chỉ được chọn 1 trong 3 câu tự luận mà Ban tổ chức đưa ra trong phần thi tự luận dưới đây:
"Câu 1. Theo bạn cần làm gì để góp phần thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản quyền tác giả, quyền liên quan của cơ quan/trường học của mình?"
"Câu 2. Bạn có sáng kiến gì để thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay?"
"Câu 3. Theo bạn cần làm gì để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam hiện nay?"
Mỗi người dự thi được phép thi 01 lần và chỉ công nhận 01 kết quả thi chính thức. Bài dự thi không hợp lệ là bài dự thi đăng ký tài khoản không đúng với các thông tin cá nhân của đối tượng dự thi hoặc sử dụng các hình thức can thiệp trái phép phần mềm trong quá trình dự thi.
6.4. Về bản quyền bài dự thi: Bài dự thi không vi phạm bản quyền; chưa từng được đăng, phát trên các phương tiện truyền thông và chưa từng tham dự cuộc thi nào khác. Người dự thi đồng ý cho Cục Bản quyền tác giả được quyền công bố, sử dụng và cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân khác công bố, sử dụng các bài dự thi do mình sáng tạo để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Bài dự thi đạt giải và bài dự thi không trả lại tác giả. Cục Bản quyền tác giả là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các bài dự thi đạt giải. Người dự thi cam kết và tự chịu trách nhiệm pháp lý về những tranh chấp, vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đối với bài dự thi do mình sáng tạo tham gia dự giải. Bài dự thi đạt giải vi phạm pháp luật Sở hữu trí tuệ, Báo chí và các quy định của pháp luật khác có liên quan, Ban Tổ chức sẽ thu hồi Giải, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 7. Giải thưởng
7.1. Cách thức chấm điểm các bài dự thi và xét giải: Tổng điểm của một bài thi là 100 điểm, trong đó: + Phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả, quyền liên quan: 50 điểm. + Phần tự luận: 50 điểm. - Ban Tổ chức Cuộc thi lựa chọn 16 bài đạt điểm cao nhất để trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích.
7.2. Cơ cấu, giá trị giải thưởng: Có 16 giải thưởng, bao gồm: 01 Giải Nhất: trị giá 5.000.000 đồng; 02 Giải Nhì: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng; 03 Giải Ba: Mỗi giải trị giá 2.000.000 đồng; 10 Giải Khuyến khích: Mỗi giải trị giá 1.000.000 đồng.
Điều 8. Công bố kết quả và trao giải: Kết quả thi sẽ được công bố cập nhật ngay sau khi có kết quả trên trang website dành riêng cho Cuộc thi và trên website Cục Bản quyền tác giả Việt Nam. Người trúng giải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin về tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ liên hệ để Ban Tổ chức Cuộc thi chuyển tiền thưởng qua tài khoản. Ban Tổ chức Cuộc thi tổ chức tổng kết và trao giải cho những người đoạt giải của Cuộc thi. Trường hợp không thể tổ chức trao giải trực tiếp, Ban Tổ chức sẽ trao giải trực tuyến và gửi giải thưởng theo địa chỉ của người trúng giải
Điều 9. Điều khoản thi hành, khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Thể lệ Cuộc thi có hiệu lực từ ngày công bố và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung Thể lệ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Cuộc thi. Sau khi công bố kết quả thi, nếu có khiếu nại liên quan đến Cuộc thi, người khiếu nại gửi văn bản đến Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, giải quyết trước khi tiến hành trao giải thưởng. Các khiếu nại, kiến nghị liên quan đến Cuộc thi được Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Tổ chức Cuộc thi là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành.
Điều 10. Thường trực của Ban Tổ chức Cuộc thi: Cục Bản quyền tác giả là đơn vị thường trực của Ban Tổ chức Cuộc thi. Trong quá trình tổ chức triển khai Cuộc thi, người thi nếu cần xin liên hệ với đồng chí Lê Thị Hương, Chuyên viên Phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả; điện thoại 0243.7282.188; Email: huonglt.cbqtg@bvhttdl.gov.vn. Những vấn đề phát sinh ngoài quy định trong Thể lệ này do Ban Tổ chức Cuộc thi thống nhất quyết định.