Tiểu ban Văn hóa tổng kết công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Ngày 6/1, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tiểu ban Văn hóa (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) đã tiến hành Phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn hóa. 

9d75-1673010123.jpg
Quang cảnh Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thường trực Tiểu ban Văn hóa; bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao); ông Đào Quyền Trưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) và các thành viên Tiểu ban Văn hóa gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao, các Cục, Vụ, Viện, cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Phiên họp, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thường trực Tiểu ban Văn hóa - đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, nhấn mạnh, vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới, các hoạt động của Tiểu ban Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong năm 2022 có bước phát triển, đóng góp hiệu quả, thiết thực triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong cơ chế UNESCO, thể hiện qua các sự kiện quan trọng như: Tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO 1972 và đón Tổng Giám đốc UNESCO thăm chính thức Việt Nam (6/9/2022), trúng cử Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thế giới của UNESCO về Chính sách văn hóa và phát triển bền vững - MONDIACULT 2022 vào tháng 9/2022 tại Mexico… Đặc biệt, 3 hoạt động do Tiểu ban Văn hóa triển khai thực hiện nằm trong top 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2022, bao gồm: 2 di sản tư liệu của Việt Nam được công nhận là Di sản tư liệu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đàm phán thành công hồi hương Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam.

Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết, trong năm 2022, Tiểu ban Văn hóa đã triển khai thực hiện kế hoạch bao gồm 65 nhiệm vụ chia theo các Nhóm Công việc chung (6 đầu việc), Nhóm Công việc liên quan đến Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (13 nhiệm vụ), Nhóm Công việc liên quan đến Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (13 nhiệm vụ), Nhóm Công việc liên quan Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa (4 nhiệm vụ), Nhóm Công việc liên quan đến Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ, phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (7 nhiệm vụ), Nhóm Công việc liên quan đến Chương trình Ký ức Thế giới (09 nhiệm vụ), Nhóm Công việc liên quan đến Công ước UNESCO về chống doping trong thể thao (13 nhiệm vụ). Trong đó, có 60/65 nhiệm vụ đã hoàn thành, chiếm tỷ lệ 92,3%.

9d79-1673010123.jpg
Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - phát biểu tại Phiên họp.

Nhấn mạnh về những kết quả đã đạt được trong năm 2022, bà Nguyễn Phương Hòa khẳng định nội dung liên quan đến Công ước UNESCO về phòng chống Doping trong thể thao đã được quan tâm hơn trước. Thể hiện cụ thể qua các nội dung, như: Công tác giáo dục truyền thông về phòng chống doping đã tổ chức 10 lớp giáo dục, truyền thông về phòng chống doping cho 1.200 vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ thể thao tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ) và Trung tâm Huấn luyện Thể thao các tỉnh, thành phố.

Tổ chức các lớp giáo dục truyền thông trực tuyến dành cho các vận động viên đội tuyển quốc gia, quốc tế và các Vận động viên nằm trong nhóm đăng ký kiểm tra Doping thường niên; Tổ chức truyền thông trực tiếp về phòng, chống Doping tại các Giải đấu Vô địch quốc gia, SEA Games và Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022; Cập nhật các thông tin về phòng chống doping trên website và facebook của Trung tâm Doping và Y học thể thao; Sản xuất, phát hành các tài liệu truyền thông về phòng chống doping trong thể thao.

Về nội dung lấy mẫu kiểm tra Doping cho các vận động viên cũng đạt được những kết quả tích cực: Triển khai lấy 911 mẫu (866 mẫu nước tiểu và 45 mẫu máu) tại SEA Games 31; phối hợp với Tổ chức phòng chống doping Hàn Quốc tổ chức khoa đào tạo cán bộ lấy mẫu phục vụ SEA Games 31, kết thúc khóa đào tạo 145 cán bộ lấy mẫu được Trung tâm Doping và Y học Thể thao Việt Nam và Tổ chức phòng chống doping Hàn Quốc cấp chứng chỉ. Xây dựng chương trình và triển khai kế hoạch lấy mẫu kiểm tra Doping trong thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022.

Về hợp tác quốc tế về phòng chống doping: Tăng cường hợp tác với Tổ chức phòng chống doping khu vực Đông Nam Á (SEA RADO), Tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA) và các tổ chức phòng chống doping quốc gia để tăng cường hợp tác phòng chống doping; tham dự và tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về phòng chống doping tại Việt Nam. Đồng thời, tham dự các Hội nghị, lớp tập huấn quốc tế về phòng chống doping: Hội nghị thường niên của SEA RADO, Hội nghị Bộ trưởng, liên chính phủ về phòng chống doping trong hoạt động thể thao, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về tổ chức giáo dục, truyền thông về phòng chống doping tại châu Á.

Về các nhiệm vụ chưa hoàn thành: 02 nhiệm vụ không thể thực hiện được do ảnh hưởng của tình hình thế giới (Kỳ họp 45 Ủy ban Di sản Thế giới bị hủy bỏ và không thể bảo vệ hồ sơ Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà tại Kỳ họp), 02 nhiệm vụ kéo dài một số năm chưa thể thực hiện được do khó khăn, vướng mắc về thủ tục (Đề xuất Kế hoạch gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, Triển khai thủ tục thành lập Ủy ban Quốc gia ICOMOS Việt Nam), 03 nhiệm vụ cần tiếp tục gia hạn do yêu cầu về nội dung công việc (Hỗ trợ CHDCND Lào xây dựng hồ sơ Hin Nậm Nô; Nghiên cứu xây dựng Nghị định về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia; Bổ sung quy định về di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan).

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong năm qua, báo cáo cho thấy: Thuận lợi là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý thích hợp cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản được UNESCO ghi danh nói riêng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng được quan tâm, chú trọng, theo đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của các cán bộ làm việc trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản thế giới ngày càng được nâng cao.

Các Di sản Thế giới tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch, đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương nơi có di sản, đồng thời tạo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội cùng sự nỗ lực của toàn ngành di sản văn hóa đã góp phần khẳng định được vị thế, vai trò và “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam trúng cử Thành viên Uỷ ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việc chuyển giao đầu mối Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam và bảo vệ chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu tại dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp phần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước, qua đó tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động quản lý di sản tư liệu.

Những khó khăn, hạn chế thể hiện ở các vấn đề: Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, hiệu quả đầu tư chưa cao. Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm về bảo tồn di tích và giỏi ngoại ngữ để tham gia ngày càng sâu rộng vào các tổ chức quốc tế về di sản văn hóa.
Các tiêu chí về di sản tư liệu đã được nêu rõ trong Khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ di sản tư liệu, tuy nhiên, chưa được xây dựng cụ thể trong các văn bản pháp lý tại Việt Nam để hướng dẫn cho các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ di sản tư liệu. Đối với di sản văn hoá thuộc Chương trình Ký ức thế giới hiện chưa được quy định trong Luật di sản văn hoá và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chưa làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình di sản văn hoá này.

Tại Phiên họp, thay mặt Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Phạm Thị Thanh Bình đánh giá cao kết quả công tác năm 2022 của Tiểu ban Văn hóa, khẳng định hoạt động của Tiểu ban có ý nghĩa nổi bật, đóng góp tích cực trong cơ chế Ủy ban Quốc gia nói riêng và hợp tác Việt Nam-UNESCO nói chung, góp phần quan trọng triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác văn hóa đối ngoại, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam…, cũng như Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại Phiên họp, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh kết quả công tác khởi sắc, thành công năm 2022 của Tiểu ban Văn hóa góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển, thành công của Du lịch Việt Nam. Trong thời gian vừa qua. Việt Nam nhận được hàng loạt các giải thưởng quốc tế uy tín như Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới, Điểm đến Ẩm thực tốt nhất châu Á…, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn về văn hóa. Du lịch văn hóa, du lịch di sản, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đã trở thành điểm nhấn, trọng tâm trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và trong các quy hoạch, kế hoạch dài hạn của ngành Du lịch, được các địa phương quan tâm xây dựng, phát triển.

Cũng tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương thống nhất, đánh giá cao báo cáo công tác năm 2022 của Tiểu ban Văn hóa, trong đó nhấn mạnh các kết quả nổi bật Việt Nam thực hiện vai trò thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ, phát huy giá trị các biểu đạt văn hóa. Bà Nguyễn Thị Thu Phương kiến nghị Tiểu ban Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục quan tâm kết nối, triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng về công nghiệp văn hóa để chuẩn bị triển khai Đề án phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo tại Việt Nam trong thời gian sắp tới, sau khi Đề án được phê duyệt.

9d76-1673010123.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Phiên họp.

Về các nhiệm vụ trọng tâm của Tiểu ban Văn hóa trong năm 2023, Các thành viên Tiểu ban đã thảo luận thống nhất tập trung triển khai các nội dung như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là Dự thảo Luật Di sản văn hóa và Nghị định về quản lý di sản văn hóa phi vật thể nằm trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thực hiện đầy đủ, trách nhiệm nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại các Công ước UNESCO, các tổ chức, diễn đàn liên quan đến UNESCO tại khu vực và quốc tế, đặc biệt chuẩn bị Lễ Kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2003 tại Việt Nam; triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị đối với loại hình di sản tư liệu; triển khai Đề án phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO; chuẩn bị công tác ứng cử tại các cơ quan chuyên môn UNESCO, đặc biệt là Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; tăng cường tiếp cận và huy động nguồn lực xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa; nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản Việt Nam được UNESCO công nhận trong nhiều khuôn khổ và hình thức khác nhau; hỗ trợ các địa phương trong công tác xây dựng hồ sơ, quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di sản…

Năm 2023, Tiểu ban Văn hóa đặt phương hướng nhiệm vụ công tác trên 9 mặt gồm: Công tác tổ chức; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp; Nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại các Công ước UNESCO, các tổ chức, diễn đàn liên quan đến UNESCO tại khu vực và quốc tế; Công tác ứng cử tại các cơ quan chuyên môn UNESCO; Phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ban, ngành; Tiếp tục triển khai Dự án Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia trên cơ sở Dự án thí điểm của UNESCO về Chỉ số văn hóa; Tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức khu vực và quốc tế; Tăng cường tiếp cận và huy động nguồn lực xã hội hóa; Tiếp tục lồng ghép việc giới thiệu các di sản Việt Nam được UNESCO công nhận.

Để đạt được nhiệm vụ đã đề ra, Tiểu ban Văn hóa kiến nghị và đề xuất: Tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định ở cấp Trung ương và địa phương liên quan tới lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Thiết lập hệ thống báo cáo đồng bộ tại Bộ VHTTDL trên cơ sở Bộ Chỉ số văn hóa 2030.

Đề nghị UNESCO tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực, cụ thể như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản tư liệu ở Việt Nam; Hỗ trợ chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xây dựng các hồ sơ đề cử là di sản thế giới, di sản tư liệu khu vực và thế giới; Hỗ trợ xây dựng đội ngũ chuyên gia của Việt Nam có đủ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và đối ngoại để tham gia các Ủy ban Liên Chính phủ, làm việc tại ban Thư ký hoặc làm tư vấn chuyên môn cho UNESCO; Phối hợp với Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam biên tập và xuất bản các tài liệu, ấn phẩm về bảo vệ, phát huy di sản tư liệu.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao những thành quả Tiểu Ban Văn hóa đạt được trong năm 2022. Thứ trưởng khẳng định: "Việc hoàn thành 60/65 nhiệm vụ là một khối lượng công việc lớn. Các đồng chí tham dự họp ở đây có lẽ cũng thấy được sự đóng góp của mình trong khối lượng nhiệm vụ này. Đây cũng là khối lượng công việc có sự phong phú, trải rộng trên tất cả lĩnh vực thể hiện chúng ta phần nào thực hiện được vai trò của một Tiểu ban".

Đối với kế hoạch công tác năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thống nhất với các đề xuất, kiến nghị của Tiểu ban Văn hóa, giao Cục Hợp tác quốc tế xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch cụ thể, yêu cầu các thành viên Tiểu ban tăng cường phối hợp chặt chẽ triển khai các định hướng, nhiệm vụ công tác trong năm tới của Tiểu ban.

P.V