Ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu
Trình bày Tờ trình tóm tắt Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, có 4 đối tượng thụ hưởng của Chương trình đó là: Thứ nhất, người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ.
Thứ ba, các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; Các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Thứ tư, các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng; đội tuyên truyền lưu động; các đồn biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Chương trình có 07 mục tiêu tổng quát và 09 mục tiêu cụ thể. Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035).
Theo đó, năm 2025 tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác. Giai đoạn 2026-2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.
Cũng theo tờ trình của Chính phủ, nội dung thành phần của Chương trình bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022.
Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần. Thứ nhất, Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; Thứ hai, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Thứ ba, Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Thứ tư, Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Thứ năm, Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật.
Thứ sáu, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Thứ bảy, Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; Thứ tám, Phát triển nguồn nhân lực văn hóa; Thứ chín, Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ mười, Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.
Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, qua rà soát nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua và căn cứ ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ tiếp thu các nội dung Quốc hội đã thống nhất cao đó là tên gọi của Chương trình: “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”.
Chính phủ cũng tiếp thu việc không chuyển dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vào Chương trình.
Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Trình bày ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hồ sơ Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Đồng thời cho biết, Ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Đồng thời nhấn mạnh, việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản nhất trí với việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Qua thảo luận, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ cùng các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý Chương trình. Đồng thời, bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong đó có các nội dung về sự cần thiết; thời gian thực hiện Chương trình...
Tiếp tục rà soát mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, so với hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình được thiết kế rất đồ sộ được trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7, thì mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Chương trình lần này đã được chỉnh lý theo hướng tránh trùng lắp với các chương trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai. Mục tiêu tổng quát đã khái quát hơn, các mục tiêu cụ thể cũng phù hợp và logic hơn với các mục tiêu tổng quát.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để bảo đảm các mục tiêu tổng quát của Chương trình bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; cập nhật kịp thời các chủ trương mới; phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng các thương hiệu văn hóa, du lịch...
Phát biểu kết thúc nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 rất quan trọng, có nội dung rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và toàn bộ đời sống xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chương trình có tính đột phá sẽ cụ thể hóa, đẩy mạnh có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa; khi được thực hiện sẽ góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh, hồn cốt của dân tộc.
Sau Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó lưu ý, tiếp tục rà soát mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chương trình trong từng giai đoạn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bố trí nguồn lực một cách trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa. Phát huy mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển văn hóa, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với các cơ quan Quốc hội hoàn thiện Báo cáo thẩm tra và xây dựng Kết luận Phiên họp về nội dung này, sớm gửi Chính phủ để kịp thời hoàn thiện, chỉnh lý các nội dung.