Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo Kết luận 70 của Bộ Chính trị phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sự nghiệp thể dục thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Kế hoạch đề ra phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có số người tham gia tập luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 39% đến 40% dân số và số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 26% đến 27% số gia đình trong toàn tỉnh. 75% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và câu lạc bộ thể dục thể thao. Có 98% số trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa; phấn đấu 98% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Trong lực lượng Quân đội, có trên 99% cán bộ, chiến sĩ kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo từng đối tượng trong độ tuổi quy định. 100% đơn vị làm tốt công tác kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực, hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức rèn luyện thể thao hằng ngày; có từ 98% trở lên cán bộ, chiến sĩ biết bơi…
Đối với lực lượng Công an, có trên 99% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn chiến sĩ Công an khỏe. 100% đơn vị Công an trong tỉnh làm tốt công tác rèn luyện thân thể và hoạt động thể dục thể thao bắt buộc đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-35 tuổi. 100% đơn vị Công an trong tỉnh có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động thể dục thể thao; có từ 95% cán bộ, chiến sĩ trở lên biết bơi…
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, từ đó đề ra kế hoạch tổ chức thực hiện đạt hiệu quả; tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển thể dục thể thao của tỉnh. Yêu cầu trọng tâm của kế hoạch là việc triển khai thực hiện phải đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Mục tiêu chung của kế hoạch là củng cố và phát triển hệ thống thiết chế về thể dục thể thao quần chúng. Xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thể dục thể thao tại các ấp, khu phố và xã, phường, thị trấn. Các cấp, các ngành triển khai xây dựng quy hoạch phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với quy hoạch phát triển chung của ngành, địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các cơ sở tập luyện thể dục thể thao cho cộng đồng; phát triển tài năng thể thao.
Để thực hiện mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được triển khai như: Đa dạng hóa các hình thức truyền thông đại chúng, ứng dụng công nghệ số xây dựng các kênh truyền thông về thể dục thể thao nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất phù hợp với từng đối tượng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao; xây dựng Chiến lược phát triển thể dục thể thao tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Đề án về thể dục thể thao.
Nâng cao hiệu quả phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; quan tâm phát triển phong trào thể dục thể thao người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; bảo tồn và phát triển các môn thể thao truyền thống của dân tộc, địa phương.
Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học, chú trọng thực hiện tốt Chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao trong Lực lượng vũ trang, Công an…
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo và thành tích thi đấu thể thao thành tích cao của tỉnh. Quan tâm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các môn thể thao truyền thống, thế mạnh của tỉnh, phát triển thêm các môn thể thao Olympic mà tỉnh có tiềm năng và điều kiện, có khả năng giành huy chương tại các giải vô địch quốc gia, Đại hội Thể thao toàn quốc, khu vực, châu lục và quốc tế. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển thể dục thể thao, đặc biệt đối với các môn thể thao thành tích cao của tỉnh Tiền Giang…
Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp thể dục thể thao, trọng tâm là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng; xây dựng, nâng cấp các thiết chế thể dục thể thao từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển thể dục thể thao vùng nông thôn, trường học. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác thể dục thể thao, nhất là cấp cơ sở. Mở rộng, hợp tác, giao lưu và tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế…