Tại Hội nghị, các Lãnh đạo hoan nghênh những nỗ lực xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với tiến độ triển khai trên cả 3 trụ cột đạt nhiều kết quả khả quan, Tăng trưởng GDP ở khu vực được dự báo đạt mức khoảng 5% trong năm 2022 và 2023, thương mại và đầu tư nước ngoài tiến triển tích cực, bất chấp thách thức toàn cầu do căng thẳng địa chính trị, lạm phát gia tăng và tài chính thắt chặt. Các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các chương trình tiêm phòng vắc-xin trên diện rộng. Hợp tác giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa-nghệ thuật, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thúc đẩy nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định càng đối mặt với khó khăn, thách thức, ASEAN càng cần phát huy tinh thần "Tư duy cộng đồng, Hành động cộng đồng", kề vai, sát cánh, tự cường và chủ động ứng phó mọi thách thức. Điều này được thể hiện rõ nét qua các thành tựu của ASEAN trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.
Với phương châm lấy người dân là trung tâm, mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng, Thủ tướng đề nghị Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 dành sự quan tâm thỏa đáng tới mọi nhóm xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bảo đảm thụ hưởng công bằng của mọi người dân; gắn kết hài hòa phát triển đồng đều, tăng trưởng bền vững và các chính sách thúc đẩy hạ tầng cứng, hạ tầng mềm tại các tiểu vùng, với tiến trình chung của ASEAN nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng và động lực phát triển cho toàn khu vực.
Theo Thủ tướng, cùng với xu thế phát triển xanh, các nước cần tăng cường hợp tác phát triển chính phủ số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, để đưa chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành động lực phát triển mới ở khu vực.
Kết thúc Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua nhiều Tuyên bố quan trọng như Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về "Cùng ứng phó thách thức", Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Tuyên bố Chương trình Nghị sự Kết nối ASEAN sau 2025.
Trong số hơn 100 văn kiện được ghi nhận và thông qua tại Hội nghị có 04 văn kiện trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm: (i) Tuyên bố của ASEAN về việc tăng cường vai trò của Thể thao trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs); (ii) Tuyên bố của ASEAN về việc thúc đẩy bản sắc ASEAN thông qua việc bảo vệ các môn thể thao và trò chơi truyền thống (TSG) trong thế giới hiện đại; (iii) Tuyên bố Siem Reap thúc đẩy một cộng đồng ASEAN sáng tạo và thích ứng vì một nền kinh tế văn hóa và sáng tạo; (iv) Tuyên bố Phnôm Pênh về chuyển đổi du lịch trong ASEAN. Trước đó, các Tuyên bố này đã được các Bộ trưởng phụ trách Văn hóa, Thể thao và Du lịch các quốc gia thành viên ASEAN thống nhất đệ trình thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã đại diện trụ cột văn hóa-xã hội ASEAN của Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Úc lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Canada và tham dự các cuộc tiếp và làm việc song phương của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Canada Justine Trudeau và Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar