Ngành Thể thao Vĩnh Long khuyến khích mỗi người dân tự lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và điều kiện sức khỏe để tập luyện. Từ các môn thể thao được chơi thường xuyên như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông đến các môn không tốn nhiều thể lực như Thể dục dưỡng sinh, Đi bộ, Xe đạp... đều thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia tập luyện.

Để đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể dục, thể thao của người dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long thường xuyên phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động giao lưu thể thao nhân các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như ngày lễ lớn của dân tộc. Đặc biệt, hằng năm duy trì công tác phối hợp với các đơn vị liên quan đăng cai tổ chức các giải thể thao thành tích cao và thể thao phong trào cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, địa phương quan tâm tổ chức các giải đấu giao lưu, hội thao nhân ngày lễ, Tết hay ngày kỷ niệm thành lập ngành với không khí sôi nổi, tạo sự gắn kết góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, việc bảo tồn và phát triển các môn thể thao truyền thống luôn được quan tâm duy trì.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có hơn 1.200 câu lạc bộ thể dục, thể thao tại cơ sở đang hoạt động. Công tác giáo dục thể chất học đường cũng được chú trọng với 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa, 95% trường tổ chức tốt chương trình thể thao ngoại khóa, thể thao tự chọn cho học sinh.
Đặc biệt, công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp ngày càng đi vào chiều sâu và thu hút đông đảo lực lượng vận động viên tham gia. Phấn đấu trong năm 2025, toàn tỉnh có 38% dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, số gia đình luyện tập thể thao đạt hơn 35%. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển hệ thống thi đấu các giải thể thao cơ sở, các môn thể thao dân tộc, các loại hình hội thao, giao lưu thi đấu,… tạo nền tảng phát triển thể thao thành tích cao.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thể thao phong trào, thể thao thành tích cao cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2024, thể thao thành tích cao Vĩnh Long không ngừng tiến bộ trên đấu trường thi đấu quốc gia và từng bước khẳng định mình với những thành tích xuất sắc tại đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Cụ thể, đạt 169 huy chương (51 huy chương vàng, 59 huy chương bạc, 59 huy chương đồng), vượt 16,5% chỉ tiêu đề ra.

Điểm nổi bật của thể thao thành tích cao Vĩnh Long năm 2024 là vinh dự có vận động viên Lê Quốc Phong (Bắn cung) được triệu tập đội tuyển quốc gia và đóng góp 1 suất tham dự Olympic Paris 2024; vận động viên Huỳnh Ngọc Sang tham dự Giải vô địch Cầu mây thế giới đạt 1 huy chương bạc; Đội tuyển Bắn cung giành hạng nhì toàn đoàn tại Giải vô địch quốc gia. Ngoài ra, thể thao thành tích cao của tỉnh có 55 vận động viên đạt Kiện tướng quốc gia; 20 vận động viên đạt cấp I quốc gia. Đồng thời, đào tạo nhiều vận động viên xuất sắc cung cấp cho các cấp độ tuyển quốc gia làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế với 4 huấn luyện viên và 25 vận động viên được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia và đội tuyển quốc gia.
Theo Đề án phát triển thể dục, thể thao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục, thể thao cho mọi người và nâng cao thành tích thể thao của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Theo Đề án, tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” nhằm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh… Ngoài các mục tiêu cụ thể được đặt ra, Đề án còn nhấn mạnh phát triển thể thao chuyên nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển một số môn thể thao thành tích cao; phát triển xã hội hóa thể dục, thể thao; tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thể dục, thể thao, đặc biệt chú trọng hợp tác đối với các nước trong ASEAN, các nước có nền thể thao phát triển mạnh. Đồng thời, tiếp tục quy hoạch đất dành cho các hoạt động thể dục, thể thao để hoàn thiện các thiết chế, cơ sở vật chất thể thao.