Thể thao Việt Nam vượt khó để trở lại mạnh mẽ

Thể thao Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn, trong phát triển thể thao thành tích cao, mặc dù, tại SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia, chúng ta đã giành ngôi nhất toàn đoàn và trở thành số 1 của Đông Nam Á khi không phải là nước chủ nhà. Tuy nhiên, sau đó, tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) và Olympic Paris (Pháp) 2024, Thể thao Việt Nam lại chưa thật sự thành công.

a-1-1733130969.jpg
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt phát biểu tại Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2045

Còn nhớ, tại Hội nghị Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra cuối năm 2023, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, bài toán phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam cần phải có lộ trình từng bước, nguồn lực tổ chức, phải nghiêm túc nhìn lại bài học thực tiễn.

Thể thao Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn

Một điều dễ dàng nhận thấy trong thời gian này đó là, Thể thao Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế như nguồn lực về tài năng vận động viên trẻ chưa nhiều. Trong khi đó, lực lượng vận động viên sẵn sàng giành thành tích cao tại đấu trường ASIAD và Olympic rất mỏng; Bên cạnh đó, sự phát triển và ổn định của các vận động viên thể thao thành tích cao không được duy trì.

Lực lượng huấn luyện viên giỏi hầu như không có hoặc rất ít, cơ cấu thành phần Ban huấn luyện các đội tuyển hiện nay không còn phù hợp; Việc tìm kiếm chuyên gia giỏi cũng gặp không ít khó khăn dẫn đến việc các vận động viên chững lại có một phần không nhỏ vì thiếu hụt huấn luyện viên, chuyên gia xuất sắc. Nguồn huấn luyện viên nội đạt trình độ đào tạo vận động viên giành huy chương tại ASIAD hay Olympic còn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo vận động viên các tuyến ở các địa phương trong cả nước chưa được đồng bộ, tồn tại nhiều hạn chế; Hệ thống thể thao trường học chưa thực sự là nền tảng của thể thao thành tích cao…

a-2-1733130967.jpg
Tay vợt cầu lông nữ số 1 Việt Nam - Nguyễn Thùy Linh

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ tập luyện ở các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia còn rất thiếu thốn. Nhiều trang thiết bị, dụng cụ đã cũ và lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay; Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế:

Chế độ chính sách cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, cụ thể là tiền công và thưởng còn thấp nên khó thu hút được nhân tài và khơi dậy niềm đam mê của huấn luyện viên, vận động viên. 

Với nguồn ngân sách có hạn, việc cân đối giữa các bộ môn phục vụ cho các mục tiêu thành tích ở SEA Games, ASIAD và cả Olympic là bài toán khó giải với các nhà lãnh đạo. Thế nhưng, đây có thể xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết để nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế lớn.

Về công tác hội nhập quốc tế của Thể thao Việt Nam

Thế vận hội mùa hè là sân chơi lớn nhất hành tinh của các môn thể thao Olympic, tập trung tất cả các vận động viên hàng đầu của các quốc gia có nền thể thao phát triển trên toàn thể giới hội tụ tranh tài. Vì vậy, việc giành huy chương ở đấu trường này là rất khó, cần có những giải pháp mang tính đột phá…

a-3-1733130968.jpg

Tại đấu trường châu Á, điển hình là Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) - nơi tranh tài của các vận động viên thể thao thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu lục, trong đó có nhiều cường quốc thể thao lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan, Iran... Các quốc gia này có lực lượng vận động viên đạt trình độ thế giới, tại nhiều kỳ Olympic, vận động viên của các nước này thường đứng tốp 10 thế giới.

Các nước khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines với thế mạnh các môn thể thao truyền thống. Ngoài ra với sự đầu tư mạnh ở một số môn thể thao như việc gửi vận động viên, huấn luyện viên đi đào tạo dài hạn ở các nước có nền thể thao mạnh, mời chuyên gia giỏi, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ, khoa học công nghệ hiện đại, chăm sóc y tế, chữa trị và hồi phục chấn thương, chế độ dinh dưỡng, chế độ đãi ngộ cao… Chính vì vậy, một số môn Olympic của họ đã có huy chương thế giới, châu Á và các Đại hội Thể thao quốc tế lớn nên được đánh giá có sự phát triển bền vững hơn Thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận những thành tích của Thể thao Việt Nam trong thời gian qua. Chúng ta đã giành được một số huy chương quý giá ở các giải đấu cấp châu lục và thế giới ở các môn: Điền kinh, Thể dục dụng cụ, Cử tạ, Bơi, Đua thuyền, Cầu mây, Cầu Lông, Billiard & Snooker, cờ Vua, Teakwondo, Boxing… 

Tại đấu trường khu vực, chúng ta đã rất thành công ở nhiều kỳ SEA Games gần đây (trong tốp 3 SEA Games), đặc biệt là 2 kỳ SEA Games 31 và 32, Thể thao Việt Nam đã đứng đầu khu vực. 

a-4-1733130969.jpg
Cầu mây được xác định 5 môn thể thao trọng điểm tại Olympic và ASIAD

Môn Bóng đá nam 2 lần vô địch giải Đông Nam Á: AFF Cup năm 2008 và 2018, 2 huy chương vàng liên tiếp tại SEA Games lần thứ 30 và 31; Với Bóng đá nữ, trong 9 lần được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games thì đội tuyển Việt Nam vào chung kết cả 9 lần thì 7 lần giành huy chương vàng, trong đó có 4 lần liên tiếp gần đây nhất. 

Tuy vậy, tại ASIAD 19, chúng ta chỉ đạt 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 19 huy chương đồng. Và tại Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta mới chỉ giành được 16 suất tham dự sân chơi danh giá này, trong đó có vận động viên môn Bắn súng đã 2 lần vào đến Vòng chung kết. Kết quả này không ngoài sự đánh giá, dự báo của giới chuyên môn và những người đồng hành cùng Thể thao Việt Nam.

Với những kết quả trên có thể khẳng định, giai đoạn vừa qua Việt Nam chúng ta đã trinh phục thành công ở đấu trường Đông Nam Á, đây là nền tảng quan trọng để vươn tới đấu trường châu Á và dần tiệp cận với đấu trường thế giới trong thời gian tới.

Vượt khó để trở lại mạnh mẽ

Để có thể sớm vươn tới đấu trường châu Á và tiệp cận với đấu trường thế giới, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Quyết định là văn bản mang tính định hướng, chỉ đạo hết sức sát thực đối với công tác Thể dục thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. 

Nội dung Chiến lược thể hiện đầy đủ và toàn diện những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Thể dục thể thao từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. 

Ngay sau khi Quyết định phê duyệt Chiến lược được ban hành, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Thể dục thể thao khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, trong đó đặc biệt là việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai các Đề án, Chương trình như: Đề án Phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực Thể dục thể thao; Đề án Phát triển Bóng đá Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Đề án Phát triển Điền kinh Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng trong nội dung Chiến lược, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án Đổi mới công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045 để đào tạo nguồn cho thể thao thành tích cao trong những năm tới…

a-5-1733130968.jpg

Về phía Phòng Thể thao thành tích cao II (Cục Thể dục thể thao), chúng tôi chủ động tham mưu và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, tham mưu các vấn đề về chính sách đối với các đối tượng liên quan đến thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài nhằm thu hút và khích lệ tài năng thể thao; tham mưu xây dựng và triển khai các Đề án, gồm có: 

Chương trình Phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Chủ động tham mưu xây dựng Chương trình Đào tạo vận động viên nhiều năm và xây dựng hệ thống đào tạo vận động viên ở các môn thể thao trọng điểm… Đây là những giải pháp có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp trong thời gian tới.

Để có thể thực hiện được điều này, Phòng Thể thao thành tích cao II xác định 5 môn thể thao trọng điểm Olympic và ASIAD là: Bơi, Cử tạ, Đua thuyền, Cầu lông và Cầu mây trong tổng số 22 môn và phân môn được giao quản lý. Trong đó, xác định 2 môn mũi nhọn là Cử tạ ở các hạng cân nhỏ để tiếp cận tranh chấp huy chương ở đấu trường Olympic và Cầu mây để tranh chấp huy chương vàng ở đấu trường ASIAD. 

Chúng tôi ưu tiên tập trung mọi nguồn lực hiện có cho các môn thể thao trọng điểm này, từ việc tập huấn trong nước, tập huấn, thi đấu nước ngoài, thuê chuyên gia giỏi; Phối hợp với các Liên đoàn - Hiệp hội Thể thao Quốc gia tìm kiếm phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ bài bản làm lực lượng kế cận để phát triển bền vững trong tương lai; Phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia có kế hoạch bồi dưỡng lực lượng huấn luyện viên nhằm đáp ứng tốt các nhiệm vụ của công tác huấn luyện đề ra.

Ngô Ích Quân - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao II (Cục Thể dục thể thao)