Thể thao người khuyết tật Việt Nam: Hướng đến những mục tiêu lớn năm 2023

Sau 2 năm do ảnh hưởng dịch COVID-19, thể thao người khuyết tật Việt Nam trải qua nhiều khó khăn. Song được sự quan tâm của các ngành, các cấp cùng với nỗ lực, quyết tâm, đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giữ, duy trì và đạt được kết quả khả quan trên các mặt hoạt động và dần khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực và quốc tế trong năm 2022.

2022 là một năm thành công của thể thao người khuyết tật Việt Nam với nhiều giải thưởng, thành tích trong khu vực và quốc tế. Tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) tại Solo - Indonesia, đoàn Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn với 65 huy chương vàng, 62 huy chương bạc và 56 huy chương đồng; phá 16 kỷ lục Đại hội. 5 gương mặt vận động viên xuất sắc, tiêu biểu nhất trong năm 2022 là: Đỗ Thanh Hải (môn Bơi, hạng thương tật SB5), thành tích: 5 huy chương vàng phá 4 kỷ lục Đại hội (2 kỷ lục cá nhân 50m ếch, 100m ếch hạng thương tật SB5, 2 kỷ lục nội dung tiếp sức 4x50m tự do và 4x50m hỗn hợp) tại ASEAN Para Games 11. Vận động viên Lê Văn Công (hạng 49kg, môn Cử tạ), có thành tích đạt huy chương bạc hạng cân 49kg nam tại giải vô địch Cử tạ châu Á năm 2022 tại Hàn Quốc, 2 huy chương vàng hạng cân 49kg nam tại ASEAN Para Games 11. Vận động viên Vi Thị Hằng (hạng S7, môn Bơi), đạt thành tích 3 huy chương vàng cá nhân, phá 3 kỷ lục Đại hội (các nội dung: 50m tự do, 100m tự do và 50m ếch hạng thương tật S7) ASEAN Para Games 11. Vận động viên Nguyễn Thị Hồng (môn cờ Vua, hạng B2), đạt thành tích 5 huy chương vàng (3 huy chương vàng cá nhân 2 huy chương vàng đồng đội) tại ASEAN Para Games 11. Vận động viên Nguyễn Thị Hải, môn Điền kinh, F57, đạt thành tích 3 huy chương vàng cá nhân tại Asean Para Games 11.

boi-kt-1675410747.jpg
Vận động viên Lê Tiến Đạt và Đỗ Thanh Hải tranh tài tại ASEAN Para Games 11

Cùng với công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên, Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã phối hợp với Vụ Thể dục thể thao quần chúng chú trọng công tác phát triển phong trào, duy trì ổn định ở một số địa phương trọng điểm. Hiệp hội đã làm việc với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển phong trào thể thao của người khuyết tật nhất là các môn thể thao mới như: Bóng lăn người khiếm thị, Bắn cung, Boccia, Judo khiếm thị và Quần vợt xe lăn. Một số thành phố đã và đang kiện toàn tổ chức Hội người khuyết tật tại các địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Hà Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng và Cần Thơ. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và phát triển năng lực người khuyết tật Việt Nam đã thành lập 3 câu lạc bộ: Taekwondo, Bắn cung và Bóng bàn. Tổ chức thành công các giải thể thao truyền thống, như: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Cờ Vua, Cầu lông, Bóng bàn, Bắn cung, Judo khiếm thị, Quần vợt xe lăn và Boccia, thu hút trên 1.200 vận động viên.

Chất lượng phong trào vận động người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao năm 2022 cao hơn năm 2021. 12 câu lạc bộ thể thao Người khuyết tật ở cơ sở được kiện toàn. Số vận động viên khuyết tật được tập luyện thể thao thường xuyên tại câu lạc bộ cơ sở, tổ chức hội với trên 2.650.000 người/năm.

Mục tiêu năm 2023

Năm 2023, Hiệp hội Paralympic Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển và mở rộng mạng lưới câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở, hay thể thao cộng đồng của người khuyết tật tại các địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động thể thao của người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật có điều kiện tiếp cận cơ sở vật chất, công trình thể dục thể thao, hướng dẫn người khuyết tật các bài tập thể lực; phổ cập, phát triển 15 môn thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tạo điều kiện để người khuyết tật tự tin, có nghị lực, bản lĩnh tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.

giai-vo-dich-quan-vot-xe-lan-thang-122022-1675410837.jpg
Giải vô địch Quần vợt, Xe lăn toàn quốc năm 2022

Nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng lực lượng vận động viên, đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Paralympic Paris 2024, ASIAN Para Games 2023 tại Hàng Châu - Trung Quốc và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12, Cambodia 2023).

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, Hiệp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tỉnh, thành để phấn đấu có 8 tỉnh/thành phố trong năm 2023 mở rộng việc thành lập câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở, chú trọng loại hình câu lạc bộ một môn, đa môn hoặc theo hình thức bộ môn thể thao người khuyết tật tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, thành phố, các trung tâm Văn hóa và Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; thu hút ngày càng nhiều người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên để phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Hiệp hội sẽ mở rộng, phổ biến và phát triển 15 môn thể thao cơ bản cho người khuyết tật tập luyện trong năm 2023-2024 như: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, cờ Vua, Cầu lông, Bóng bàn, Quần vợt xe lăn, Judo khiếm thị, Bắn cung, Boccia, Bóng chuyền ngồi, Khiêu vũ thể thao, Yoga, Bóng đá 5 người và Taekwondo. Duy trì từ 40 vận động viên thường xuyên được tập luyện tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và sẵn sàng tham gia các giải, hướng tới Đại hội Thể thao người khuyết tật tại Hàng Châu - Trung Quốc và các giải lấy chuẩn tham dự Paralympic 2024 tại Paris. Năm 2023 cũng là năm Hiệp hội sẽ tổ chức các giải vô địch toàn quốc, dự kiến thu hút 1200 vận động viên tham gia; Phối hợp các tỉnh, thành phố tạo nguồn lực lượng vận động viên trẻ các tuyến tại các địa phương chuẩn bị cho các kỳ Para Games được tổ chức tiếp theo.

Có thể nói, trong những năm qua, cùng với sự phát triển của thể thao Việt Nam, thể thao người khuyết tật đã phát triển mạnh mẽ, không chỉ đem lại vinh dự cho các vận động viên, mà còn mang về vinh quang cho Tổ quốc. Những giải thưởng, huy chương đã góp phần khẳng định khả năng, tôn vinh những nỗ lực, vượt lên số phận, phá bỏ rào cản tự ti của những người khuyết tật trong hành trình song hành cùng thể thao nước nhà.

Mai Anh