Chiến lược đầu tư trọng điểm, đúng đắn
Bắt đầu từ năm 2015, với khát vọng đưa Thể thao Đắk Lắk vươn tầm khu vực Đông Nam Á, châu Á, Đắk Lắk xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư cho những môn mũi nhọn, ưu tiên các môn nằm trong nội dung, chương trình thi đấu của Olympic và SEA Games, đó là: Kick Boxing, Bắn cung, Cử tạ. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Phúc Long thì khi đưa ra chiến lược này, Thể thao Đắk Lắk xác định mất một thời gian khá dài mới có thể thu về “quả ngọt” bởi quá trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên đủ trình độ, đạt đẳng cấp thông thường phải mất 7 đến 10 năm, tùy theo bộ môn.
Được giao trọng trách thực hiện chiến lược, mục tiêu đào tạo, đưa vận động viên tỉnh nhà xuất ngoại tranh tài ở đấu trường quy mô, có tính cạnh tranh cực cao ở cấp châu lục, khu vực Đông Nam Á, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh Đắk Lắk bắt tay vào công tác tuyển chọn lực lượng theo quy trình, phương pháp khoa học: chọn từ tuyến nghiệp dư cơ sở, phong trào, chuyển lên năng khiếu, tuyến trẻ và tuyến chính. Để cho “ra lò” những vận động viên thực sự tài năng, “vòng tuần hoàn”: tuyển chọn - huấn luyện - sàng lọc được thực hiện một cách liên tục, xuyên suốt, chặt chẽ, tuyệt đối không chạy theo tâm lý “đi tắt đón đầu”, nặng về thành tích nhất thời, song không bền vững.
Những tuyển trạch viên đồng thời đảm nhiệm công tác huấn luyện các bộ môn nói trên sát sao với thể thao phong trào, từ đó phát hiện những vận động viên năng khiếu, tiềm năng, thuyết phục gia đình, bản thân các em theo con đường thể thao chuyên nghiệp để tập trung đào tạo, huấn luyện. Những vận động viên như: Nguyễn Hoàng (Kick Boxing), Võ Thị Quỳnh Như (Cử tạ) hay Nguyễn Thị Hải Châu (Bắn cung) là những gương mặt còn “trụ lại” được sau những đợt sàng lọc nghiêm ngặt đó
Gặt hái “quả ngọt”
Gần 10 năm làm công tác chuẩn bị, với nỗ lực của bản thân, các vận động viên đã được tôi luyện đủ bản lĩnh, trình độ, tự tin “vươn ra biển lớn”, so tài với vận động viên bạn bè trong khu vực, quốc tế.
Ở đấu trường khu vực Đông Nam Á, tại SEA Games 32 vừa diễn ra ở Campuchia, tuyển thủ Kick Boxing Nguyễn Hoàng lần đầu tiên góp mặt đã xuất sắc bước lên bục vinh quang cao nhất ở hạng cân 67kg, đem về tấm huy chương vàng cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Ở bộ môn Bắn cung, cung thủ, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Hải Châu đã cùng các đồng đội Lê Phương Thảo và Lê Phạm Ngọc Anh giành huy chương bạc tại SEA Games 31. Ở SEA Games 32 vừa qua, chủ nhà Campuchia không đưa bộ môn này vào chương trình thi đấu nên Nguyễn Thị Hải Châu bị bỏ lỡ cơ hội đổi màu huy chương. Tuy nhiên, các huấn luyện viên và chuyên gia Park Chae-soon đang huấn luyện đội tuyển Bắn cung Việt Nam nhận định, với tuổi đời còn trẻ, đang ở đỉnh cao phong độ, Hải Châu sẽ có nhiều đóng góp cho thể thao thành tích cao của Đắk Lắk nói riêng và đất nước nói chung.
Với Cử tạ, trong năm Quý Mão, cái tên Võ Thị Quỳnh Như được giới chuyên môn nhắc đến nhiều nhất bởi những tấm huy chương mà cô đoạt được đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực Đông Nam Á, đạt đến tầm châu Á. Ngay ở lần đầu tiên được triệu tập lên tuyển, đô cử Võ Thị Quỳnh Như đã giành 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại giải vô địch Cử tạ châu Á diễn ra vào tháng 5/2023 tại Thái Lan. Đáng chú ý, trình độ của đô cử Võ Thị Quỳnh Như với vận động viên đoạt huy chương vàng không chênh lệch đáng kể (kém 2kg so với cử giật và 10kg so với cử đẩy). Đô cử vừa bước sang tuổi 27 đang đạt đến độ chín của sự nghiệp sẽ tiếp tục là nòng cốt của đội tuyển Cử tạ tỉnh cũng như là thành viên của đội tuyển Cử tạ Việt Nam tranh tài ở các giải quốc nội và khu vực trong những năm tiếp theo.
Ngoài những vận động viên trên, hiện Đắk Lắk còn có thêm 8 gương mặt khác được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia ở những bộ môn khác, vì vậy, thể thao thành tích cao tỉnh nhà tin tưởng những năm tới sẽ gặt hái thành công nhiều hơn nữa, xứng đáng với quá trình đầu tư và sự khổ luyện của các vận động viên.