Buổi họp ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên dự họp để dự thảo Đề án được hoàn thiện và mang tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường thể thao quốc tế lớn diễn ra trong thời gian tới.
Thể thao Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại
Theo chia sẻ của ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao) - trong 2 năm 2022-2023, Thể thao Việt Nam tham dự 2 đấu trường thể thao quốc tế lớn là SEA Games (liên tiếp hai kỳ SEA Games 31, 32) và ASIAD 19. Kết quả đã phản ánh rõ nét về thực trạng của thể thao thành tích cao nước nhà.
Thể thao Việt Nam chỉ thành công ở những nhóm môn thể thao trong khu vực Đông Nam Á. Khi vươn tầm ra sân chơi châu lục ở các môn thể thao ASIAD và Olympic, thành tích của vận động viên Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhiều vận động viên của các quốc gia khác, thậm chí là thua một số nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Điều này cho thấy, thành tích của Thể thao Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại và còn hạn chế. Trước thực tế này, ngành Thể dục thể thao, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát lại toàn bộ hệ thống đào tạo, tuyển chọn vận động viên đỉnh cao nhằm kịp thời nắm bắt được các con số cụ thể; đánh giá đúng, trúng vấn đề, từ đó tham mưu xây dựng các đề án, chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam mang tính đột phá trong những năm tới tại các đấu trường quốc tế lớn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội - nhận định, Thể thao Việt Nam muốn hướng đến thành tích cao tại ASIAD, Olympic, trước hết cần tập trung chấn chỉnh công tác đào tạo từ địa phương, ngành đến các đội tuyển quốc gia, đặc biệt là quy trình tuyển chọn đào tạo mang tính hệ thống... Việc làm này phải đồng bộ từ yếu tố cơ sở vật chất đến con người.
Nghiêm túc nhìn lại những bài học thực tiễn
Tại Hội nghị “Định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra cuối năm 2023, trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, bài toán phát triển thể thao thành tích cao Việt Nam cần phải có lộ trình từng bước, nguồn lực tổ chức, phải nghiêm túc nhìn lại bài học thực tiễn.
Từ định hướng này, Cục Thể dục thể thao phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tiếp tục xây dựng hệ thống tuyển chọn và đào tạo vận động viên một cách khoa học, làm nền tảng sàng lọc, tập trung đầu tư cho lứa vận động viên trọng điểm thi đấu tại ASIAD 2026, 2030 và Olympic 2024, 2028...
Cục trưởng Đặng Hà Việt cho rằng, việc tuyển chọn vận động viên bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều quá trình khác nhau nhưng phải thống nhất thành một hệ thống và cần có thời gian nhất định. Ngành Thể dục thể thao đang tìm cách thay đổi, tháo gỡ những rào cản, điểm hạn chế trong thời gian qua để tuyển chọn vận động viên ban đầu từ tuyến cơ sở; mỗi tỉnh thành đầu tư một số môn thể thao; đổi mới hệ thống thi đấu từ cấp Tiểu học và phát triển các môn thể thao trọng điểm ở nhiều tỉnh, thành.
Tuy nhiên, hiện tại, có một số môn thể thao chỉ phát triển ở một số tỉnh, thành phố nhất định, cũng như đặc thù của một vài môn không thể phát triển hệ thống từ cấp Tiểu học như: Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Đua thuyền, Đấu kiếm... Đây là cái khó của ngành Thể dục thể thao. Muốn làm được điều này phải phát triển hệ thống phong trào, xây dựng lại hệ thống thi đấu toàn diện; rất cần đến sự chung tay, đồng sức, đồng lòng từ các địa phương cũng như các doanh nghiệp, mạnh thường quân nhằm làm tốt công tác xã hội hóa thể dục thể thao.
Ông Đặng Hà Việt nêu ý kiến: “Vấn đề tuyển chọn vận động viên phải thực hiện từ nhiều tầng, nhiều lớp, từ các tỉnh, thành phố với sự điều phối của Cục Thể dục thể thao. Từ việc tuyển chọn ban đầu, chúng ta tiếp tục sơ tuyển, đưa vận động viên vào các trường năng khiếu ở địa phương để đào tạo tuyến đầu, sau đó tiếp tục đưa lên các Trung tâm huấn luyện địa phương, nơi có trang thiết bị để kiểm tra số liệu, chỉ số, đánh giá tài năng chính xác hơn. Khi được đôn lên các cấp tuyển trẻ, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia sẽ có bộ phận khoa học, phối hợp với ban huấn luyện, huấn luyện viên trưởng để tuyển chọn kỹ lưỡng hơn. Lúc này sẽ có các bước kiểm tra máu, kiểm tra gene và các chỉ số… từ đó mới có thể đánh giá và dự báo thành tích của các vận động viên. Đây là một quá trình rất dài và có mối quan hệ chặt chẽ”.
Việc xây dựng thành công “Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và sớm được Chính phủ phê duyệt, đi vào áp dụng thực tiễn có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo, thành tích của Thể thao Việt Nam tại các đấu trường thể thao châu lục và thế giới. Đề án chỉ rõ mục tiêu lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp và ASIAD là trọng tâm để vươn tầm đến Olympic.