
Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa đã trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng và được phát triển rõ rệt về chất và lượng; ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hoá được xuất hiện với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của con người; đồng thời các ngành Công nghiệp Văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh của một đất nước đến với thế giới.
Công nghiệp Văn hóa được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa. Trong Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam như sau: “Phấn đấu doanh thu của các ngành Công nghiệp Văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, cụ thể các ngành như: Điện ảnh đạt 150 triệu USD; Nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đạt 80 triệu USD; Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD; Du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.
Để phát triển ngành văn hoá của tỉnh phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra những chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm phát triển nền văn hoá nói chung, trong đó đã ban hành Kế hoạch số 2297/KH-UBND ngày 20/4/2017 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; các nhiệm vụ, mục tiêu được đề ra cụ thể, bám sát theo định hướng từng giai đoạn của Trung ương và phù hợp với nền văn hoá truyền thống của địa phương. Trong thời gian qua việc triển khai Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 2297/KH-UBND, nền Công nghiệp Văn hóa của tỉnh Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nhất định trong tất cả 12 lĩnh vực được Chính phủ xác định là trọng điểm và từng bước hình thành nên các lĩnh vực công nghiệp trong hoạt động văn hoá, qua đó có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO - bước tiến thuận lợi phát triển Công nghiệp Văn hóa

Mạng lưới “Các thành phố sáng tạo của UNESCO” được thành lập năm 2004 với mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh doanh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hoá và sáng tạo văn hoá làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Từ những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng về khả năng sáng tạo nghệ thuật và điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm văn hoá - sáng tạo của Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng rất vinh dự khi được đánh giá cao để tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực “Âm nhạc” và được tổ chức UNESCO phê duyệt là thành viên chính thức của mạng lưới các thành phố sáng tạo vào ngày 31/10/2023. Qua đó nhìn nhận một cách chính thức “Âm nhạc” một phần trọng trong đời sống của người dân và là yếu tố chiến lược để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của địa phương về nghệ thuật biểu diễn (một trong 12 ngành công nghiệp văn hoá), góp phần tạo ra những sản phẩm - dịch vụ mang tính cạnh tranh, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những kết quả đã đạt được vừa qua của địa phương trong quá trình phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa cũng như ý nghĩa hết sức to lớn của việc Thành phố Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo về Âm nhạc trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng là bước tiến thuận lợi để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của tỉnh, qua đó xây dựng thương hiệu văn hoá của địa phương, gia tăng cơ hội hợp tác quốc tế trên mọi mặt của văn hoá; định hướng văn hoá phát triển bền vững và hiện đại.
Phát triển Công nghiệp Văn hóa phù hợp với xu thế, hài hòa giữa truyền thống và công nghệ hiện đại

Từ những thuận lợi và khó khăn hiện tại, tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần có những định hướng giải pháp cụ thể để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hoá của tỉnh cũng như giữ vững thành phố Đà Lạt là thành phố sáng tạo của UNESCO về âm nhạc. Theo đó, Lâm Đồng sẽ phát triển công nghiệp văn hoá theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0; kết hợp hài hoà giữa yếu tố truyền thống với công nghệ hiện đại, giữa kinh tế với văn hoá, đảm bảo yếu tố văn hoá và con người phát triển song hành với kinh tế;
Tăng cường hợp tác, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm văn hoá đặc sắc của địa phương Lâm Đồng - Đà Lạt đến với các quốc gia trên thế giới, qua đó nâng cao vị thế của văn hoá Việt Nam trên đấu trường quốc tế; chú trọng tập trung và ưu tiên một số ngành công nghiệp văn hoá mà tỉnh có thế mạnh và tiềm năng phát triển lâu dài, bền vững và cần được bảo tồn, phát huy như: Kiến trúc, thủ công mỹ nghệ (đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhẫn bạc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh), điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hoá.
Xây dựng và ban hành các chính sách, bổ sung các cơ chế đặc thù để phát huy các nguồn lực phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa hoá theo hướng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, trong đó tập trung các ưu đãi về thuế, đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ văn hoá.
Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo văn hoá nghệ thuật phù hợp cho các nghệ sĩ, tài năng trẻ về văn hoá thoả sức phát triển, sáng tạo; khuyến khích kết hợp các ý tưởng, sáng tạo hiện đại với văn hoá dân tộc bản địa.
Tăng cường cơ chế hợp tác công - tư trong quá trình đầu tư vào văn hoá, các ngành Công nghiệp Văn hóa, đẩy mạnh xã hội hoá việc tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hoá nhằm đa dạng hoá các hoạt động dịch vụ văn hoá phục vụ nhu cầu thụ hưởng cho Nhân dân; đầu tư, xã hội hoá đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển văn hoá, đặc biệt trong thời kỳ kỷ nguyên số cần tập trung đầu tư hạ hầng, phát triển cơ sở số, tập trung vào các ngành cần ứng dụng và chuyển đổi số như: Quảng cáo, điện ảnh, thiết kế, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, truyền hình và phát thanh,… Đồng thời phát huy hiệu quả sức mạnh mọi nguồn lực để phát triển nền Công nghiệp Văn hóa, chuyển hóa thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa phù hợp và kịp thời đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của Nhân dân.