Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, nhấn mạnh vào phát triển Thành phố Sáng tạo.
Kinh nghiệm quý
Tọa đàm đã cập nhật tiến trình phát triển của Hà Nội với cương vị là Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế cũng như phân tích các mô hình xây dựng đô thị ứng dụng bản sắc văn hóa và di sản dân tộc từ Vương quốc Anh.
Các Thành phố sáng tạo của Vương quốc Anh như: Belfast, Derry-Londonderry, Dundee cùng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Đã 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đang tích cực triển khai các sáng kiến bằng một loạt hoạt động, sự kiện.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó nhấn mạnh vào phát triển Thành phố Sáng tạo. Bên cạnh đó, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có những điều khoản về phát triển Công nghiệp văn hóa và Thành phố Sáng tạo. Tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đề cập đến những vấn đề này. Hà Nội đang dần định vị thương hiệu Thành phố Sáng tạo để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Thủ đô là trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.
Các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo, trong đó lấy văn hóa làm nền tảng chính cho sự phát triển. Cũng từ việc thực hiện hiệu quả các cách thức trong định vị thương hiệu nên từ những thành phố nhỏ mà địa phương nơi họ sinh sống đã có sức hút lớn đối với người dân và khách du lịch, cũng như việc lan tỏa hình ảnh trên thế giới.
Ông Chris Mccreery, Ban Phát triển Văn hóa và Du lịch thuộc Hội đồng thành phố Belfast - Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc của Vương quốc Anh chia sẻ: Thành phố Belfas đặt ra 3 chiến lược mới, đặt sáng tạo và con người làm trung tâm của sự phát triển gồm: Văn hóa, du lịch và âm nhạc. Trong đó chiến lược âm nhạc tận dụng thương hiệu Thành phố Sáng tạo Âm nhạc UNESCO để phát triển và nuôi dưỡng ngành Âm nhạc địa phương và tôn vinh câu chuyện âm nhạc cũng như các tài năng âm nhạc của Belfast. Ủy ban Âm nhạc Belfast đưa danh hiệu Thành phố Âm nhạc UNESCO đến gần hơn với cuộc sống. Các thể loại âm nhạc mà Ủy ban này tập trung phát triển gồm đa dạng các thể loại, từ cổ điển, pop cho đến rock, jazz, nhạc đô thị, từ âm nhạc quốc tế đến các dòng nhạc truyền thống, bản địa. Bên cạnh đó, thành phố Belfast thực hiện nhiều chương trình phát triển, tôn vinh văn hóa và sáng tạo để nhiều người biết tới hình ảnh Thành phố sáng tạo Âm nhạc.
Cũng trao đổi về vấn đề tạo dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo, bà Poppy Jarratt - Điều phối Dự án sáng tạo Thành phố Sáng tạo Thiết kế Dundee - cho biết: Dundee tổ chức Tháng thiết kế Dundee kéo dài trong suốt tháng 5 hàng năm với các hoạt động liên quan đến thiết kế, quy tụ đông đảo cộng đồng thiết kế và người dân.
Cùng với đó, thương hiệu “Dundee, Thành phố Sáng tạo Thiết kế UNESCO” được đặt trong ngôi nhà mới là Bảo tàng V&A Dundee, bảo tàng thiết kế của Scotland, tiếp tục khẳng định mục tiêu của thành phố trong định vị, tôn vinh thiết kế như một công cụ thúc đẩy phát triển cộng đồng, kinh tế và bộ mặt của thành phố.
Huy động, phát triển nguồn lực
Bên cạnh việc đặt ra các vấn đề về định vị bản sắc thương hiệu, tọa đàm cũng đề xuất cách thức phát triển cộng đồng sáng tạo tại các đô thị. Đây cũng là một phần thông điệp mà tọa đàm muốn truyền tải trong mục tiêu hành động. Đó chính là sự kết nối có hiệu quả giữa các nhà sáng tạo, từ đó đưa ra các phương án hành động giúp Thủ đô định hình giá trị và nét đặc sắc trong thương hiệu của mình.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, sáng tạo hiện diện ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, tuy nhiên công nghiệp sáng tạo chỉ giới hạn ở 13 nhóm ngành nghề. Các nhóm này khi có cơ hội làm việc, hợp tác với nhau sẽ tạo ra lợi ích thặng dư lớn, vì thế thành phố cần thiết tạo ra một hệ sinh thái cho hoạt động sáng tạo.
Như vậy, việc xây dựng tổ hợp đủ lớn tựa như các HUB (trung tâm) có đủ kích cỡ là rất quan trọng, để tạo điều kiện cho hệ sinh thái sáng tạo hoạt động. Khi có không gian hoạt động, các nghệ sỹ và giới sáng tạo sẽ càng có điều kiện hợp tác, phát triển sáng tạo.
Còn ông John Peto đến từ Thành phố sáng tạo Văn hóa Derry-Londonderry lại nhìn ở khía cạnh cần phải phát huy được khả năng sáng tạo của xã hội và tập hợp các sáng tạo ấy cho sự phát triển. Vì vậy, cần phải đầu tư kỹ năng sáng tạo, làm cho mọi người hiểu hơn về kỹ năng, chia sẻ các kỹ năng để mọi người phối hợp với nhau thỏa sức sáng tạo, biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Trong đó vai trò của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý là quan trọng.
Bên cạnh đó, đại diện các Thành phố Sáng tạo đến từ Vương quốc Anh và các nhà sáng tạo Hà Nội cũng đề cập đến vấn đề tạo ra các không gian phát triển hoạt động sáng tạo, bởi ngay cả các thành phố ở Vương quốc Anh hay ở Hà Nội đều rất thiếu các không gian như vậy.
Trước mắt, các nhà sáng tạo có thể tận dụng các cửa hàng cũ, không sử dụng để cải tạo thành các không gian sáng tạo; còn về lâu dài, cần tạo ra một không gian, quỹ đất đủ rộng, có thể là các nhà máy công nghiệp cũ để cải tạo hoặc xây dựng mới.
Ông Chris Mccreery, Ban Phát triển Văn hóa và Du lịch thuộc Hội đồng Thành phố Belfast thừa nhận, vấn đề thiếu không gian cho công nghiệp sáng tạo cũng xảy ra ở chính thành phố của ông. Mặc dù thành phố có nhiều không gian đang để trống nhưng việc tận dụng các không gian đó cần có quy hoạch. Một số không gian thực hiện ngắn hạn có thể sử dụng một số cửa hàng trống nhưng về lâu dài cần quy hoạch các không gian tạo các studio dài hạn, có thể huy động lượng người đến đông hơn.
Nhấn mạnh về vai trò và giá trị to lớn của kinh tế sáng tạo, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết, công nghiệp sáng tạo là sự lựa chọn quan trọng của thế kỷ mới, gắn kết được xã hội và giải quyết được nhiều thách thức hiện nay. Sự thành công của kinh tế sáng tạo là một trong những điểm sáng của Vương quốc Anh. Bởi vậy, Hội đồng Anh luôn có chương trình hỗ trợ công nghiệp sáng tạo với những tư duy mới, gắn kết tương lai. Bà Donna McGowan cũng khẳng định Hội đồng Anh luôn gắn kết, hợp tác với thành phố Hà Nội để hỗ trợ tôn vinh Thành phố Sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa. Bà cũng hy vọng thời gian tới, hai bên sẽ đạt được mục tiêu, sứ mệnh của mình để Hà Nội đạt được khát vọng của mình là một Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế ở một tầm cao mới.