Thanh Hóa hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động khai thác hải sản

Thanh Hóa có 102km chiều dài bờ biển với ngư trường khai thác hải sản rộng lớn. Song việc thu gom, xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động khai thác tại các địa phương ven biển còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng biển tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” tại khu vực dọc bờ biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

thanh-hoa-1655821860.jpg
Đoàn viên, thanh niên tham gia thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển

Hiện toàn tỉnh có khoảng 6.700 phương tiện nghề cá, với 24.675 ngư dân trực tiếp tham gia khai thác hải sản trên biển. Quá trình khai thác hải sản, ngư dân phải chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm cần thiết và điều này làm phát sinh lượng rác thải ra biển, gồm: vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, thùng xốp, túi nilon đựng thức ăn... Tình trạng ngư cụ hỏng, thùng xốp, chai lọ... vứt bỏ ngổn ngang trên mặt biển, trôi dạt vào bờ là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở ven bờ các địa phương ven biển. Ngoài ra, còn có rác thải nhựa phát sinh từ các ngư lưới cụ hư hỏng, các dụng cụ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Trong đó, nổi cộm là tình trạng người nuôi trồng thủy sản vứt bỏ các bao bì đựng thức ăn thủy sản ra môi trường; ngư dân không lắp đặt thùng chứa rác trên tàu cá mà xả trực tiếp rác thải xuống biển, không thu hồi lại các ngư lưới cụ hư hỏng và rác thải sinh hoạt trong quá trình đánh bắt trên biển... Những thói quen này không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn đe dọa đến sự phát triển tự nhiên của các loài sinh vật biển

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 76/KH-UBND ngày 16/3/2020 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo đó, trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức 8 lớp tập huấn cho 800 cán bộ và ngư dân về việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Thủy sản 2017, tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học ; các kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chống chất thải nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh.

thu-doi-1655821930.jpg
Thu đổi rác thải nhựa và khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

 Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động khai thác hải sản, các ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đang tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về quản lý rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác hải sản với các hình thức phù hợp; lồng ghép tại các lớp tập huấn phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật... Giám sát công tác bảo vệ môi trường và quản lý rác thải nhựa trong khai thác hải sản tại các cảng cá, bến cá và các tàu cá. Tổ chức các mô hình thu gom, phân loại, thu đổi rác thải nhựa tại cảng cá, vùng dân cư ven biển nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; thực hiện phong trào “chống chất thải nhựa” và quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh.

Minh Anh