Tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học

Ngày 31/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo. Đại diện Cục Thể dục thể thao, Phó cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã tới dự Hội thảo.

Theo báo cáo, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù, số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây song đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như trẻ em, học sinh thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và sự quản lí của gia đình, người lớn tuổi, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở Giáo dục và Đào tạo, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là: 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường. Một số trường có bể bơi đã linh động vận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp cho việc đầu tư nguồn nước, xử lý nguồn nước, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh theo quy định.

toa-dam-day-boi-1698810343.jpg
Hội thảo tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi. Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học là rất lớn, nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để hồ bơi.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng và tăng cường chỉ đạo công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tài liệu hướng dẫn và tổ chức hàng năm việc tập huấn cán bộ, giáo viên cốt cán cho các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, đại đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng gần 70% giáo viên giáo dục thể chất đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Hiện nay, do điều kiện về kinh phí, diện tích nên việc xây dựng bể bơi trong nhà trường gặp khó khăn; việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và kinh phí tổ chức dạy bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu thực trạng, đề xuất, góp ý các giải pháp nhằm tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học như: quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức, công tác xã hội hoá; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy bơi; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và sự phối hợp liên ngành…

o-hong-minh-1698810521.jpg
Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ về thực trạng và công tác triển khai tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - Nguyễn Hồng Minh - cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu phổ cập bơi cho học sinh là điều bất khả thi, vì hạn chế về nguồn giáo viên, cơ sở vật chất (mới chỉ có 8,63% nhà trường có bể bơi) và kinh phí. Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định rõ học bơi an toàn, phòng chống đuối nước là kỹ năng sống hay giáo dục thể chất, sau đó có giải pháp phù hợp. Ông Nguyễn Hồng Minh đồng tình với việc có chương trình, đề án về tổ chức dạy bơi an toàn trong nhà trường. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ để sớm ban hành tiêu chí bơi an toàn, phòng chống đuối nước để thống nhất áp dụng trên toàn quốc; cũng như phối hợp tập huấn cho giáo viên…

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, học sinh tại trường học giai đoạn 2025-2030. Trong đó phân công rõ trách nhiệm của ngành Giáo dục và các Bộ, ngành, địa phương.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Phòng, chống đuối nước, an toàn trong môi trường nước là trách nhiệm không thể chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được. Tuy nhiên, chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường cần có các hoạt động để các em thấy sự nguy hiểm của môi trường nước, có kỹ năng phòng, chống đuối nước, an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, cần khảo sát để có giải pháp sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất dạy bơi đã có. Ngoài ra, có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục và các Bộ, ngành, địa phương… từ đó thực hiện nhiệm vụ bảo đảm môi trường học đường thực sự an toàn, trong đó có an toàn trong môi trường nước.  

Minh Anh