Tập luyện tại gia lên ngôi trong mùa dịch

Khi tất cả cơ sở tập gym, yoga, nhảy hiện đại... phải đóng cửa để phòng tránh sự lây lan của đợt bùng phát thứ 4 dịch COVID-19, nhiều người dân thủ đô đã chọn cách tập thể dục “tại gia” để nâng cao sức khỏe. Các Trung tâm thể hình cũng chuyển hướng để có thể cầm cự và phát triển.

Đa dạng các hình thức tập luyện tại gia

Trước những tác động tiêu cực của đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đã quyết định đóng cửa những hoạt động không thiết yếu, trong đó có các phòng tập gym, yoga, nhảy hiện đại... Điều này một lần nữa khiến các “tín đồ” của những môn thể thao này phải tìm cách thích ứng với tình hình mới.

Chị Phạm Thị Bình (Hà Đông - Hà Nội) cho biết, trước đây khi hệ thống các phòng gym, yoga, nhảy hiện đại… được phép mở cửa, chị và một số đồng nghiệp của mình thường xuyên tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến tập luyện tại các cơ sở đã đăng ký trước. Tuy nhiên, khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, chị và các bạn đã quyết định chuyển sang tập luyện tại nhà.

Vào mỗi buổi sáng, chị chạy bộ vòng quanh khu nhà ở của mình với cự ly khoảng 6km. Bên cạnh đó, mỗi buổi tối chị cũng dành thêm từ 45 đến 60 phút để tập luyện yoga tại nhà. Chị Bình chia sẻ, tập thể thao là hoạt động không thể thiếu mà chị tập luyện trong nhiều năm nay để duy trì và nâng cao sức khỏe. Nhờ luyện tập thường xuyên, chị cảm thấy cơ thể luôn khỏe khoắn.

Nhiều người lựa chọn tập luyện tại nhà để giữ sức khỏe trong mùa dịch

Trong khi đó, có nhiều gia đình lại chọn cách “đầu tư” máy chạy bộ để tất cả thành viên cùng sử dụng. Anh Nguyễn Văn Tiến (phường Cát Linh - quận Đống Đa) cho biết: “Hạn chế ra ngoài để tránh phải tiếp xúc nhiều người trong mùa dịch, các thành viên trong gia đình tôi không ra công viên tập thể dục như trước, mà chọn mua chiếc máy chạy bộ về đặt tại phòng khách để chia nhau cùng tập, duy trì sức khỏe”.

Còn chị Hoàng Thị Thảo (Hoàng Mai - Hà Nội) thì chọn cách mua xe đạp để các con có thể đạp xe quanh khu nhà mình ở, riêng chị chạy bộ, vừa để quản lý các con nhưng cũng để duy trì việc tập luyện của mình. Chị Thảo chia sẻ, chỗ gia đình mình ở hiện nay gần cánh đồng trồng rau sạch của người dân nên rất thuận lợi cho việc tập luyện thể thao bằng xe đạp của 3 mẹ con.

Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, ngay cả những người từ trước đến nay chưa có đam mê trong rèn luyện sức khỏe, thì mùa dịch cũng là lúc họ có thời gian và nhận ra tầm quan trọng của việc luyện tập thể thao. Khá nhiều gia đình tại Thủ đô đã chọn cách mua thêm thiết bị tập luyện thể thao như bộ tạ, dây nhảy, vòng lắc và các máy chạy bộ, xe đạp..., biến phòng khách trở thành phòng tập chung cho cả nhà để duy trì tập luyện trong mùa dịch.

Phát triển “phòng tập từ xa”

Sau những thời điểm trồi sụt, đóng mở cửa liên tục, hiện có nhiều Trung tâm thể hình đã lựa chọn phương án “phòng tập từ xa” nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Với phương án này, có phòng gym lựa chọn cách phát hành những video hướng dẫn bài tập để bán cho khách hàng.

Nhiều phòng tập lớn cũng có những chương trình “phòng tập từ xa” với hình thức học trực tuyến, thông qua livestream hoặc học cùng huấn luyện viên. Một vài phòng tập triển khai mô hình này để kinh doanh. Tuỳ theo phòng tập, các khoá PT online có mức giá khác nhau từ 1,5 tới 3 triệu đồng/khóa 3 tháng. Còn một số Trung tâm huấn luyện lớn đang thực hiện thí điểm miễn phí trong mùa dịch để duy trì việc giao tiếp với khách hàng của mình.

Phòng tập không đón khách để phòng chống dịch

Nhiều Trung tâm cũng áp dụng phương án cung cấp “huấn luyện viên tại gia” cho khách có nhu cầu, với điều kiện cả khách lẫn huấn luyện viên đều phải khai báo y tế rõ ràng.

Huấn luyện viên thể hình Tuấn Anh tại Hà Nội chia sẻ: “Mùa dịch, phòng gym phải đóng cửa, tôi và nhiều huấn luyện viên của Trung tâm đã phát triển hình thức “phòng tập online” với những video đăng tải trên Facebook, Youtube, website, nội dung là những bài tập luyện đơn giản tại nhà để khách hàng hoặc bất cứ ai cũng có thể tự tập”.

Tuy nhiên, việc tập luyện tại nhà cũng chỉ là một giải pháp duy trì, trong đó có nhiều vấn đề cần lưu ý. Đầu tiên, nguồn đăng các video, tài liệu phải là uy tín đáng tin cậy, vì trong số đó cũng có những thông tin không chính xác hoặc những bài tập không hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật tập.

Khi xem các video hướng dẫn, người tập cần lưu ý về cách thực hiện các động tác của người mẫu và huấn luyện viên trên clip vì tương tác 1 chiều, các HLV không thể trực tiếp nhìn thấy hoặc chỉnh sửa động tác sai. Tập sai sẽ dễ dẫn tới những trường hợp chấn thương hoặc đau khớp, nhất là những người có tiền sử về đau vai gáy, đau khớp gối, thoát vị đĩa đệm…

Trên thực tế đã có những trường hợp như thế xảy ra. Đồng thời, người tập cũng cân nhắc, tìm hiểu kĩ khi mua bất cứ chương trình thể hình online nào, đừng quá tin vào quảng cáo kẻo bị lừa đảo hoặc “tiền mất tật mang”.

Một điều quan trọng khác được anh Tuấn Anh lưu ý là tập online chỉ phù hợp với những khách hàng đã có kiến thức cơ bản về tập thể hình, như vậy các huấn luyện viên sẽ không mất nhiều thời gian sửa lỗi. Với những người mới tập, anh Tuấn Anh khuyên nên ra ngoài phòng tập sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền, thời gian, đồng thời kỹ thuật của bạn sẽ được cải thiện rõ ràng và chính xác hơn thay vì mơ hồ sửa lỗi qua online.

Nam Anh

Bài Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ