Tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

bo-truong-hung-phat-bieu-tai-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-1713337285.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ

Thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009 về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa..., và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động bảo vệ đối với di sản văn hóa ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bố cục của dự thảo gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương 73 điều), cụ thể: Chương I. Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 30 điều (từ Điều 20 đến Điều 49); Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60); Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74); Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, gồm 04 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78); Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 12 điều (từ Điều 79 đến Điều 90); Chương VIII. Quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, gồm 09 điều (từ Điều 91 đến 99); Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 100 đến Điều 102).

quang-canh-cuoc-hop-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-1713337389.jpg
Quang cảnh Phiên họp

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 về hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về mối quan hệ giữa dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến của Thành viên Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, tổ chức họp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để thống nhất xử lý về tiêu chí, phạm vi điều chỉnh giữa hai (02) dự thảo Luật.

Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 3372/TBTTKQH ngày 28/02/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất nội dung tài liệu có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt có các tiêu chí được xác định ở cấp độ thấp hơn các tiêu chí được xác định là “bảo vật quốc gia” và “di sản tư liệu” của Luật Di sản văn hóa. Theo đó, để đảm bảo không chồng chéo giữa 02 Luật, tại cuộc họp, đại diện hai Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ đã thống nhất một số công việc triển khai liên quan đến hai Luật.

Liên quan đến việc rà soát để đảm bảo tính tương thích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, có hơn 20 luật có liên quan đến di sản; trong quá trình rà soát, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, cầu thị để tránh việc các quy định bị chồng chéo, giao thoa. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) kế thừa những quy định còn có tính ổn định, phát triển của luật hiện hành.

Về di sản tư liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề mới, khi Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế, di sản tư liệu được UNESCO công nhận, xác định là một loại hình di sản độc lập với loại hình di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua chương trình ký ức thế giới của UNESCO về di sản được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002. Thời điểm đó, Việt Nam đã tham gia chương trình này và thống nhất, cam kết thực hiện. Theo UNESCO thì loại hình này không nằm trong di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Do đó, cần có một điều, khoản riêng hoặc xây dựng một chương riêng về di sản tư liệu...

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến phát biểu, đóng góp, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất...

T.H