Để thực hiện tốt việc bảo vệ, bảo quản và phát huy có hiệu quả giá trị của bảo vật quốc gia, đồng thời tiếp tục nhận diện và lựa chọn được những hiện vật có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học (theo các tiêu chí quy định tại khoản 21 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia
Về bảo vệ bảo vật quốc gia, tổ chức xây dựng, hoàn thiện và kịp thời triển khai phương án bảo vệ đặc biệt đối với từng bảo vật quốc gia, trong đó lưu ý: Có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia. Đối với bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích hoặc thuộc sở hữu tư nhân, phải thường xuyên thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành giữa cơ quan văn hóa với công an và chính quyền sở tại trong việc bảo vệ; phân định rõ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính. Kịp thời, chủ động báo cáo, thông tin tới cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan khi có những diễn biến trong thực tế ảnh hưởng đến công tác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật quốc gia.
Về bảo quản bảo vật quốc gia, ưu tiên đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị chuyên dụng dành cho kho bảo quản và khu vực trưng bày bảo vật quốc gia tại bảo tàng, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia tại di tích, để bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt.
Việc bảo quản bảo vật quốc gia phải được lập thành phương án cụ thể, bảo đảm tính khoa học và tính pháp lý để trình cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt; quá trình thực hiện bảo quản phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, quy trình, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có sự phối hợp, hướng dẫn của các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan, các chuyên gia về bảo quản (căn cứ theo loại hình, chất liệu, tình trạng của từng bảo vật quốc gia).
Về phát huy giá trị bảo vật quốc gia: Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Báo cáo định kỳ về thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia (kèm theo hình ảnh liên quan), gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 31/8 hàng năm.
Lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 12, năm 2023
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư số 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, để xét chọn, lập hồ sơ hiện vật gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận bảo vật quốc gia. Văn bản đề nghị và hồ sơ hiện vật gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31/8/2023.