Dự thảo nêu rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch. Theo đó, tài nguyên du lịch được đầu tư bảo vệ, tôn tạo phải có giá trị về mặt du lịch, có khả năng tiếp cận để khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Ưu tiên bảo vệ, tôn tạo những tài nguyên du lịch có giá trị đặc trưng, khác biệt, có khả năng tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao cho du lịch Việt Nam, cho từng vùng và từng địa phương. Ưu tiên bảo vệ, tôn tạo những tài nguyên du lịch có giá trị ở những khu du lịch quốc gia, khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận. Hoạt động bảo vệ, tôn tạo phải dựa trên các cứ liệu khoa học của tài nguyên.
Bảo vệ, tôn tạo phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, quy trình kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, ban hành đối với từng loại tài nguyên (nếu có). Cùng với đó, bảo đảm tối đa tính nguyên bản của tài nguyên du lịch được bảo vệ và tôn tạo; bảo đảm 100% hoạt động bảo vệ, tôn tạo được thực hiện theo kế hoạch, kịp thời và khoa học. Mọi hoạt động bảo vệ, tôn tạo đều phải thực hiện theo các quy trình hợp lý và các biện pháp thích hợp.
Về phát triển giá trị tài nguyên du lịch, các giá trị tài nguyên được phát huy, mở rộng hoặc bổ sung phải có giá trị và khả năng tiếp cận để khai thác phục vụ cho các hoạt động du lịch.
Ưu tiên đầu tư phát triển giá trị tài nguyên du lịch ở các khu, điểm du lịch, ở các khu vực đã và đang thu hút lượng lớn khách du lịch nhằm giảm tải cho các hoạt động du lịch ở khu vực lân cận; đầu tư phát triển giá trị tài nguyên du lịch ở các khu vực khác nhưng phải có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động du lịch.
Phát triển giá trị tài nguyên du lịch phải đi đôi với việc bảo vệ, tôn tạo; Bảo đảm phát triển giá trị tài nguyên không làm mất đi giá trị nguyên bản của tài nguyên; Phát triển tài nguyên phải trên cơ sở giá trị cốt lõi của tài nguyên; Phát triển giá trị tài nguyên này, nhưng không làm tổn hại đến giá trị tài nguyên khác ở cùng một địa điểm.
Tài nguyên du lịch sau khi tổ chức điều tra, phân loại được đưa vào danh mục để xây dựng kế hoạch bảo vệ, tôn tạo và khai thác phát triển. Tất cả các tài nguyên du lịch được đưa vào khai thác phải có các biện pháp bảo vệ và tôn tạo để tránh các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch. Đồng thời lập kế hoạch thực hiện các biện pháp, hạng mục công việc để bảo vệ, tôn tạo tài nguyên phục vụ khai thác phát triển du lịch (Chỉ thực hiện các hạng mục bảo vệ, tôn tạo tài nguyên nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch, các hạng mục khác để bảo vệ, tôn tạo tài nguyên được thực hiện theo các quy định có liên quan). Khảo sát, xác định các yêu cầu bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch; Thực hiện trích đo ranh giới, xác định; Xây dựng, lắp đặt thiết bị, tiện nghi tạo hành lang ranh giới bảo vệ tài nguyên du lịch; Xây dựng quy định, hướng dẫn khách du lịch: lắp đặt loa đài, in ấn tờ rơi, lắp bảng quy định; Tổ chức các hình thức tuyên truyền, cảnh báo khách du lịch.
Đi đôi với bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch là việc phát triển giá trị tài nguyên du lịch. Trong đó gồm việc lập, phê duyệt đề án/dự án phát triển/phát huy các giá trị tài nguyên du lịch; Xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi để có thể phát huy giá trị tài nguyên du lịch; Thực hiện số hóa 3D, xây dựng phim, ảnh về tài nguyên du lịch; Xây dựng nội dung về bản chất, các số liệu về tài nguyên du lịch, các giá trị của tài nguyên du lịch để lưu trữ và phục vụ quản lý và giới thiệu về tài nguyên du lịch; Xây dựng, in ấn tài liệu và các hình thức khác để quảng bá về tài nguyên du lịch; Tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp khảo sát, hội thảo về khả năng phát huy tài nguyên du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch.