Taekwondo Việt Nam: Tìm lại vinh quang!

Là một trong số ít môn thể thao từng có vận động viên giành huy chương tại đấu trường Olympic (Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc tại Olympic Sydney 2000), Taekwondo Việt Nam đang dần đánh mất vị thế của mình. Để tìm lại thời kỳ vinh quang của mình, những người làm chuyên môn đã có những định hướng phát triển Taekwondo giai đoạn 2025-2032.

Thời vàng son đã qua

Taekwondo Việt Nam giành được 2 tấm huy chương vàng tại ASIAD năm 1994 và 1998, đỉnh cao là tấm huy chương bạc lịch sử của võ sĩ Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000. Chính vì vậy, Taekwondo từng được xem là mônthể thao “mũi nhọn” chiến lược và là biểu tượng cho khát vọng vươn tầm của Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2016 lại đây, Taekwondo Việt Nam đang dần tụt hậu và đánh mất vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.

b-1-1745912000.jpg
Võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc tại Olympic 2000 cho Thể thao Việt Nam

Sau khi liên tục có vận động viên góp mặt tại Olympic 2004, 2008 và 2012, Taekwondo Việt Nam bắt đầu vắng bóng. Chỉ có duy nhất 1 suất tại Olympic Tokyo 2020 và hoàn toàn trắng tay trong vòng loại Olympic Paris (Pháp) 2024. 

Tại các kỳ ASIAD, kể từ sau 2 tấm huy chương vàng ở các năm 1994 và 1998, Taekwondo Việt Nam dần đánh mất vị thế của mình khi chỉ giành 1 huy chương bạc tại ASIAD 2006 do công của võ sĩ Hoàng Hà Giang, rồi chỉ có huy chương đồng ở các kỳ Đại hội sau, thậm chí đến ASIAD 2022, Taekwondo Việt Nam đã trắng tay. 

Tại đấu trường SEA Games và các giải vô địch châu lục và thế giới, Taekwondo Việt Nam ngày càng thụt lùi ở các nội dung đối kháng - từng là thế mạnh của Taekwondo Việt Nam trên đấu trường quốc tế. 

Đây là một bước lùi lớn, đặc biệt khi các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Philippines và Indonesia vẫn duy trì được sự hiện diện tại đấu trường này. Kể từ đó, Taekwondo Việt Nam liên tục không có được thành tích nổi bật tại các giải đấu lớn như ASIAD, giải vô địch thế giới, hay thậm chí là tại SEA Games - nơi chúng ta từng thống trị ở một số hạng cân. 

Nhiều nội dung thi đấu trước kia từng là thế mạnh của Taekwondo Việt Nam thì nay lại trở thành điểm yếu, cho thấy sự tụt hậu cả về kỹ thuật, chiến thuật lẫn thể lực và tâm lý thi đấu. Đáng lo ngại hơn, giai đoạn này cũng chứng kiến sự thiếu hụt nghiêm trọng các vận động viên đỉnh cao có khả năng tạo dấu ấn quốc tế. 

b-3-1745912001.jpg
Taekwondo từng được xem là môn thể thao “mũi nhọn” chiến lược và là biểu tượng cho khát vọng vươn tầm của Thể thao Việt Nam

Phân tích nguyên nhân cốt lõi của sự sa sút của Taekwondo Việt Nam trong giai đoạn 2008-2024 không phải là một hiện tượng đột ngột, mà là hệ quả của quá trình tụt hậu âm ỉ, kéo dài và mang tính hệ thống. 

Đầu tiên, đó là việc Taekwondo Việt Nam chậm thích ứng với sự thay đổi trong Luật thi đấu và công nghệ. Trong vòng 15 năm qua, Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WT) đã liên tục cải tiến Luật thi đấu nhằm nâng cao tính minh bạch, hấp dẫn và chuyên nghiệp của bộ môn này. Một trong những thay đổi mang tính bước ngoặt là việc áp dụng hệ thống tính điểm điện tử (PSS - Protector Sensor System) cùng với hệ thống camera 4D, giúp tăng độ chính xác và hạn chế sự can thiệp cảm tính của trọng tài. Cùng với đó là sự điều chỉnh trong cách tính điểm, nhấn mạnh vào các kỹ thuật tấn công chính xác và đa dạng, thay vì chỉ dựa vào thể lực và tốc độ. Tuy nhiên, Taekwondo Việt Nam đã không theo kịp các chuyển động này. 

Tiếp đến phải kể đến hệ thống huấn luyện trong nước vẫn chủ yếu duy trì phương pháp truyền thống, với giáo án tập trung vào rèn thể lực, phản xạ đơn thuần và thi đấu kiểu “truyền thống” - trong khi thế giới đã chuyển sang tư duy “kỹ thuật - chiến thuật - công nghệ”. Sự thiếu hụt các thiết bị tập luyện hiện đại như giáp điện tử đạt chuẩn thi đấu quốc tế, hay hệ thống phân tích video kỹ thuật cũng khiến vận động viên không có cơ hội tiếp cận và làm quen với môi trường thi đấu thực tế. 

Chính vì thế,khi bước ra đấu trường quốc tế, các vận động viên Việt Nam thường lúng túng trong việc đọc chiến thuật, phản ứng chậm với điểm số, hoặc không tận dụng được các kẽ hở kỹ thuật của đối thủ, do không được rèn luyện phù hợp với điều kiện thi đấu mới. Việc để lỡ nhịp chuyển mình cùng thế giới là một trong những nguyên nhân mang tính “cốt lõi” cho sự tụt hậu. 

b-4-1745912000.jpg

Những bất cập trong công tác huấn luyện - một trong những điểm nghẽn lớn nhất của Taekwondo Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt về chất lượng đội ngũ huấn luyện viên. Dù Việt Nam có nhiều huấn luyện viên tâm huyết và giàu kinh nghiệm, nhưng phần lớn trong số đó chưa được tiếp cận với các phương pháp huấn luyện hiện đại. 

Một hệ thống huấn luyện hiện đại không thể thiếu đội ngũ hỗ trợ chuyên sâu như chuyên gia tâm lý, chuyên gia dinh dưỡng, y học thể thao hay phân tích kỹ thuật. Nhưng hiện nay, các vị trí này hầu như chưa được bố trí bài bản trong các đội tuyển. Điều đó khiến công tác huấn luyện trở nên đơn độc và thiếu chiều sâu - một bất lợi rất lớn trong thể thao thành tích cao. 

Tâm lý thi đấu là một phần thiết yếu trong thể thao đỉnh cao, đặc biệt ở các bộ môn đối kháng như Taekwondo, nơi mà sự tự tin, bản lĩnh và khả năng kiểm soát cảm xúc có thể tạo nên sự khác biệt giữa thắng và thua. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, công tác chuẩn bị tâm lý thi đấu cho vận động viên Taekwondo Việt Nam vẫn chưa được đầu tư đúng mức. 

Thực tế cho thấy, nhiều vận động viên Việt Nam có năng lực chuyên môn tốt, kỹ thuật tương đối đầy đủ, nhưng lại dễ lúng túng, thiếu bình tĩnh và không kiểm soát được thế trận khi đối đầu với các đối thủ mạnh ở các giải lớn. 

Việc chưa được huấn luyện về tâm lý ứng phó trong thi đấu, chưa quen với áp lực từ hệ thống chấm điểm điện tử hay từ khán giả quốc tế khiến các vận động viên thường rơi vào trạng thái “đứng hình” ngay từ những đòn đầu tiên.

b-5-1745912000.jpg
Đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam xuất sắc giành huy chương vàng giải vô địch thế giới 2024 ở nội dung đồng đội sáng tạo lứa tuổi trên 17

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, cơ hội nghề nghiệp sau khi giải nghệ… chưa đủ sức tạo động lực để thu hút và giữ chân tài năng.  

Định hướng phát triển trong tương lai 

Để đưa Taekwondo Việt Nam thoát khỏi tình trạng tụt hậu kéo dài và từng bước phục hồi vị thế trên đấu trường quốc tế, cần một chiến lược phát triển toàn diện, bắt đầu từ tư duy hệ thống đến cải tổ tổ chức, con người và phương pháp. Việc tham khảo kinh nghiệm thành công của các quốc gia như: Thái Lan, Hàn Quốc, Iran hay Uzbekistan là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là phải xác lập được một mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. 

Để làm được điều này trước tiên, cần xây dựng một chương trình đào tạo huấn luyện viên theo chuẩn quốc tế, phối hợp với Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WT), Liên đoàn châu Á (ATU), hoặc các Học viện uy tín như Kukkiwon để tổ chức các lớp Chứng chỉ quốc tế định kỳ. Song song đó, cần mời các chuyên gia hàng đầu từ Hàn Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ… 

Một điểm quan trọng khác là cần có cơ chế đãi ngộ tốt hơn cho các huấn luyện viên đầu ngành, khuyến khích họ gắn bó dài hạn và đồng hành với sự nghiệp thể thao quốc gia. Ngoài ra, cũng cần tạo điều kiện cho các huấn luyện viên trẻ được đi học tập nước ngoài, thực tập tại các quốc gia mạnh để từng bước xây dựng đội ngũ kế thừa chất lượng cao. 

Đầu tư bài bản vào đào tạo vận động viên trẻ - xây dựng nền móng từ chiều sâu sự phát triển bền vững của bất kỳ nền thể thao nào đều bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ. Hiện nay, hệ thống phát hiện và tuyển chọn tài năng Taekwondo ở Việt Nam chủ yếu dựa vào các câu lạc bộ phong trào và Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh, thành. Mô hình này tiềm ẩn sự thiếu đồng đều về chất lượng, điều kiện huấn luyện và định hướng phát triển. 

b-2-1745912001.jpg
Taekwondo Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu cải thiện thành tích tại các kỳ ASIAD và Olympic trong giai đoạn 2025-2030

Tăng cường hợp tác quốc tế và cọ xát thi đấu quốc tế là yếu tố then chốt để nâng cao trình độ kỹ thuật và chiến thuật và tâm lý thi đấu. Trong bối cảnh Taekwondo Việt Nam đang bị tụt lại, việc tăng cường liên kết huấn luyện - thi đấu quốc tế là hết sức cần thiết. 

Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị huấn luyện hiện đại, đặc biệt là hệ thống chấm điểm điện tử và công cụ hỗ trợ phân tích kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách với trình độ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương và Trung tâm Huấn luyện Taekwondo ở Việt Nam vẫn sử dụng giáp thường, thiếu thiết bị VAR, không có camera phân tích kỹ thuật hay hệ thống giám sát vận động, dẫn đến chất lượng tập luyện chưa tương xứng với yêu cầu thi đấu quốc tế. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng ngân sách ổn định cho các địa phương có phong trào mạnh để nâng cấp trang thiết bị tập luyện, đảm bảo rằng vận động viên trẻ cũng được tiếp cận với điều kiện huấn luyện hiện đại ngay từ đầu - tránh sự “ngỡ ngàng” khi bước ra đấu trường quốc tế. 

Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Taekwondo Việt Nam có thể hướng tới mục tiêu cải thiện thành tích tại các kỳ ASIAD và Olympic trong giai đoạn 2025-2030. 

Đây là thời điểm mang tính bản lề để Taekwondo Việt Nam xác lập lại vị thế của mình. Nếu có sự vào cuộc quyết liệt từ Cục Thể dục thể thao Việt Nam, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam và các địa phương, cùng với Đề án thí điểm triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2025-2028, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của Taekwondo Việt Nam tại các kỳ ASIAD và Olympic trong tương lai gần.

Mỹ Hạnh