Quy chế hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Quy chế hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024.

hat-then-dan-tinh-1728126499.jpg
"Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo đó, đối tượng tham gia bao gồm các lực lượng là nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc Tày, Nùng, Thái đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn các tỉnh/thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, 2 Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và thành phố Hà Nội, không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội.

Các nghệ nhân, diễn viên sẽ tham gia ở biểu diễn, tranh tài ở 4 nội dung bao gồm: Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương; Trình diễn nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và Chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống; Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính.

Cụ thể, với nội dung Không gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống của các địa phương, chủ đề chung của khu Không gian trưng bày là “Sắc màu văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Thái”. Các tỉnh, thành phố tự lựa chọn chủ đề trưng bày theo ý tưởng, kịch bản của từng tỉnh, thành phố, tuy nhiên phải bám sát chủ đề của Ban Tổ chức đã đề ra.

Nội dung trưng bày gồm các hiện vật, sản phẩm, hình ảnh… về nghệ thuật hát Then, đàn Tính; hình ảnh nghệ nhân tiêu biểu; các loại nhạc cụ, trang phục dùng cho hát Then, đàn Tính ở từng vùng miền; những nét chung và riêng trong hát Then, đàn Tính. Khuyến khích trưng bày, giới thiệu các thao tác, nguyên liệu, quy trình sản xuất của các nghề thủ công, sản vật, ẩm thực truyền thống, sản phẩm OCOP tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái địa phương. 

Các sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng của từng địa phương có thể bán, cho, tặng. Các tỉnh/thành phố được phép áp dụng kỹ thuật máy chiếu, điện tử cho công tác trưng bày. Có thuyết minh hướng dẫn bằng các hình thức diễn xướng, văn nghệ chào mừng thu hút khách tham quan.

Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập cho từng Không gian trưng bày với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ = 0,1 điểm) gồm các tiêu chí: Nội dung trưng bày độc đáo, phong phú thể hiện tốt ý tưởng, chủ đề (5 điểm); Tính thẩm mỹ, khoa học, ấn tượng (3 điểm); Thuyết minh rõ ràng, hiệu quả tuyên truyền, quảng bá (2 điểm).

Với nội dung Biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Then, đàn Tính, mỗi đoàn tham gia không quá 04 tiết mục. Các tiết mục biểu diễn phải đúng chủ đề, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái (đảm bảo ít nhất 50% là nội dung nguyên gốc). Các tiết mục biểu diễn phải có trang phục, âm nhạc, đạo cụ phù hợp; không hát nhép lời băng đĩa ghi sẵn (kể cả phối bè phần lời ca khúc), hạn chế sử dụng nhạc điện tử. 

Các tập thể, cá nhân sử dụng các ca khúc, kịch bản múa, nhạc của các nhạc sĩ, nghệ sĩ đã được phổ biến đến công chúng, nếu sử dụng các tác phẩm mới phải được sự đồng ý của tác giả. Đối với các làn điệu dân ca sử dụng tiếng dân tộc phải có bản dịch lời Tiếng Việt gửi về Hội đồng nghệ thuật để tiện theo dõi cho việc chấm điểm.

Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập cho từng tiết mục với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ cho các giám khảo chấm liên hoan = 0,1 điểm) dựa trên các tiêu chí: Đúng chủ đề, ý tưởng (2 điểm); Dàn dựng công phu, sáng tạo, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn tốt (6 điểm); Có tính nguyên gốc, phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc (2 điểm).

Với nội dung Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống, mỗi đoàn chuẩn bị các món ăn, đồ uống mang đậm nét văn hóa ẩm thực của các dân tộc Tày, Nùng, Thái cho 10 người tại gian Trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống.

Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ = 0,1 điểm) gồm các tiêu chí: Nội dung trưng bày độc đáo, phong phú làm toát lên ý tưởng, chủ đề (5 điểm); Tính thẩm mỹ, nguyên liệu, cách chế biến (3 điểm); Thuyết minh rõ ràng, hiệu quả của các món ẩm thực (2 điểm).

Với nội dung Trình diễn nghề truyền thống Dệt thổ cẩm và Chế tác đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, mỗi đoàn tham gia giới thiệu và trình diễn các thao tác cơ bản nghề dệt vải hoặc chế tác đàn Tính của địa phương.

Hội đồng nghệ thuật chấm điểm độc lập cho từng phần trình diễn của các đoàn với thang điểm 10 (áp dụng điểm lẻ = 0,1 điểm) gồm các tiêu chí: Tổng thể sản phẩm thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ (2 điểm); Khả năng trình diễn, thao tác của nghệ nhân (2 điểm); Tính đặc trưng, tiêu biểu của sản phẩm (2 điểm); Tính ứng dụng (2 điểm); Thuyết minh, giới thiệu về sản phẩm (2 điểm).

Ban Tổ chức đề nghị các chương trình tham gia Liên hoan cần được được chuẩn bị chu đáo, luyện tập dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc văn hóa, làm nổi bật đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam".

TH