Quảng trường Nguyễn Tất Thành (Tuyên Quang) đạt giải thưởng 'Phong cảnh thành phố châu Á'

Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành, tại thành phố Tuyên Quang đã được Ban Tổ chức Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” công nhận là 1 trong 11 công trình, dự án xuất sắc đạt “Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á” (Asian Townscape awards) năm 2022.

quang-truong-1670688400.jpeg
Quảng trường Nguyễn Tất Thành được khởi công xây dựng đầu năm 2012 và hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015). Ảnh: TTXVN

Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” là giải thưởng quốc tế được thành lập năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka (Nhật Bản), với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á.

Các công trình, dự án đạt giải được đánh giá theo 5 tiêu chí: Thân thiện với môi trường, an toàn bền vững, tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương, chất lượng nghệ thuật cao, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và là hình mẫu cho các thành phố khác.

Tại Tuyên Quang, công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình ấn tượng không chỉ tạo dấu ấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị, lịch sử của người dân Tuyên Quang nói riêng và người dân cả nước nói chung khi đến Tuyên Quang.

Quảng trường Nguyễn Tất Thành có diện tích trên 8,5 ha với điểm nhấn là Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm, cao 7,9m, xung quanh là các nhân vật đại diện cho lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức, mô phỏng chuyến thăm và nói chuyện của Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vào tháng 3/1961. Phía sau là phù điêu biểu tượng cây đa Tân Trào, di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam... và khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa, kinh tế của tỉnh Tuyên Quang...

quang-truong-1-1670688400.jpeg
Toàn cảnh Quảng trường Nguyễn Tất Thành ở thành phố Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN

Công trình khởi công đầu năm 2012 và hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015). Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc và là công trình kiến trúc tiêu biểu thể hiện tình yêu của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Bác Hồ kính yêu.

Hàng năm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành thu hút hàng trăm nghìn lượt người đến tham quan, dâng hương, báo công và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí; nhất là những dịp Lễ, Tết hay sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội lớn của tỉnh Tuyên Quang và đất nước. Đặc biệt, vào tháng 8 âm lịch hàng năm, Quảng trường Nguyễn Tất Thành vinh dự được chọn là nơi tổ chức Đêm hội Trung thu – một trong những nội dung chương trình của Lễ hội Thành Tuyên. Lễ hội này đã được kỷ lục Guiness xác lập: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”. Đây là đêm hội độc đáo, là nét đẹp văn hóa riêng có của quê hương Tuyên Quang.

Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành, được trao giải thưởng "Phong cảnh thành phố châu Á” sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của quê hương Tuyên Quang đến du khách và bạn bè quốc tế. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn trong thời gian tới.

TTXVN