Phượng khó "khoe sắc" ở xứ sở Anh Đào

Trong số các cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại, thử sức ở các câu lạc bộ nước ngoài, Công Phượng có nhiều kinh nghiệm nhất khi đã từng thi đấu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ. Có lẽ vì vậy, bản hợp đồng vừa ký với câu lạc bộ Yokohama đang chơi ở J.League hứa hẹn sẽ đem đến nhiều điều mới mẻ, nhưng thực tế lại không như kỳ vọng.

tien-dao-cua-doi-tuyen-viet-nam-da-co-4-lan-ra-nuoc-ngoai-thi-dau-1679372053.jpg
Tiền đạo của đội tuyển Việt Nam đã có 4 lần ra nước ngoài thi đấu

Sau 5 vòng đấu ở J.League, Công Phượng vẫn chưa một lần được ra sân thi đấu trong đội hình Yokohama FC. Thậm chí, tiền đạo của đội tuyển Việt Nam mới chỉ có tên trong danh sách đăng ký thi đấu tại Cúp quốc gia Nhật Bản, nhưng chỉ ngồi trên băng ghế dự bị. Kể từ khi rời câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai sang Nhật Bản, Phượng chỉ có cơ hội ra sân thi đấu trong trận giao hữu của Yokohama với câu lạc bộ đang thi đấu tại giải hạng 3 Nhật Bản từ hơn 1 tháng trước.

Đây đã là lần thứ 2, Công Phượng quyết định sang Nhật Bản thi đấu. 7 năm trước, cầu thủ nổi tiếng của lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai - JMG đã chọn câu lạc bộ Mito HollyHock để tìm kiếm cơ hội thử sức tại J.League 2. Sau một mùa giải, Công Phượng chỉ được ra sân vài trận từ băng ghế dự bị với thời gian thi đấu chưa đầy 90 phút. Hình ảnh được nhiều người nhớ đến nhất là việc chân sút của đội tuyển Việt Nam đi phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm để quảng bá cho các trận đấu của câu lạc bộ.

cong-phuong-tung-di-phat-to-roi-quang-ba-cho-cau-lac-bo-mito-hollyhock-1679372167.jpg
Công Phượng từng đi phát tờ rơi quảng bá cho câu lạc bộ Mito Hollyhock

Cuối năm 2016, Công Phượng chia tay với câu lạc bộ Mito Hollyhock, sau đó sang đầu quân cho câu lạc bộ Incheon United của Hàn Quốc và tiếp tục xuất ngoại, cập bến Sint-Truiden tại Bỉ, nhưng đều không tìm được cơ hội thi đấu, phát triển sự nghiệp nên đã trở về khoác áo câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh cuối mùa bóng 2019, trước khi tìm lại “mái nhà xưa” ở Hoàng Anh Gia Lai. Yokohama cũng là câu lạc bộ mà tiền vệ Tuấn Anh từng sang thi đấu, nhưng không trụ lại được. Giờ đến lượt Công Phượng đang gặp khó trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và có tính sàng lọc cao.

sau-5-vong-dau-o-j-league-1-cong-phuong-van-chua-duoc-ra-san-trong-mau-ao-yokohama-1679372124.jpeg
Sau 5 vòng đấu ở J.League 1, Công Phượng vẫn chưa được ra sân trong màu áo Yokohama

Dù có quyết tâm lớn trong lần thứ 2 trở lại sân chơi J.League, nhưng rõ ràng cơ hội dành cho Công Phượng thực sự không nhiều. Yokohama đang sở hữu tới 9 tiền đạo, trong đó có những chân sút đẳng cấp với kinh nghiệm thi đấu ở J.League nên càng khó để Phượng có cơ hội "khoe sắc" trong đội hình toàn “sao”. Ngay cả Chanathip Songkrasin, từng có thâm niên chơi bóng ở Nhật Bản, được đánh giá là tiền vệ tấn công hay nhất của câu lạc bộ Consadole Sapporo, năm ngoái chuyển sang khoác áo Kawasaki Frontale cũng đang cảm thấy bị thất thế.

Ở tuổi 28, có lẽ Công Phượng đã có đủ sự chín chắn và tỉnh táo để không đi vào vết xe đổ như đã từng gặp phải sau những lần xuất ngoại. Tuy nhiên, để tìm được cơ hội và phát triển sự nghiệp ở J.League còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Khác với Quang Hải, Công Phượng không cần thêm những trải nghiệm sau nhiều lần xuất ngoại rồi phải chờ được giải cứu.

Đan Phượng