Phiên họp Văn phòng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á

Ngày 10/1, Văn phòng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), có trụ sở tại Bangkok (Thái Lan) đã tổ chức họp theo hình thức trực tuyến.

Phiên họp tập trung vào những vấn đề chủ yếu như thông qua Biên bản họp Văn phòng SEAGF tổ chức ngày 15/9/2022; cập nhật thông tin về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia từ ngày 5 đến 17/5/2023; thảo luận về chương trình thi đấu và phí bản quyền truyền hình của Đại hội.

sg-3-1673412396.jpeg
SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5 đến 17/5/2023 tại Campuchia

Tham dự Phiên họp có 30 đại biểu, đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia (đại biểu Đông Timor vắng mặt) và lãnh đạo, các thành viên của Văn phòng SEAGF. Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp với 4 thành viên, gồm ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam; bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao; ông Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam và đại diện Đài Truyền hình Việt Nam.

Một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại phiên họp là công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 do Campuchia đăng cai từ ngày 5 đến 17/5/2023. Theo đó, Điều lệ thi đấu từng môn và lịch trình chuẩn bị đã được nước chủ nhà gửi đến các nước tham dự nhằm có thêm thời gian chuẩn bị.

Ông Vath Chamroen - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Campuchia, Tổng Giám đốc Đại hội, đại diện Ban Tổ chức - cho biết: SEA Games 32 có 36 môn và 591 nội dung thi đấu tranh huy chương trong chương trình thi đấu của Đại hội, bao gồm Điền kinh, Thể thao dưới nước, Cầu lông, Bóng rổ, Bi-a, Quyền Anh, Cờ, Cricket, Đua xe đạp, Khiêu vũ thể thao, Thể thao điện tử, Đấu kiếm, Floorball, Bóng đá, Golf, Thể dục, Hockey, Jet ski, Judo, Karate, Võ, Chạy vượt chướng ngại vật, Pencak silat, Bi sắt, Thuyền buồm, Soft Tennis, Cầu mây, Bóng bàn, Taekwondo, Đua thuyền truyền thống, Quần vợt, Hai và ba môn phối hợp hiện đại, Bóng chuyền, Cử tạ, Vật và Wushu). Bên cạnh đó, sẽ có 1 môn (Teqball) và 2 nội dung thi đấu biểu diễn. 

sg-2-1673412504.jpg
SEA Games 32 có 36 môn và 591 nội dung thi đấu tranh huy chương trong chương trình thi đấu của Đại hội

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ban Tổ chức SEA Games 32 vẫn chưa gửi sách kỹ thuật đến các nước thành viên. Vì vậy, thời hạn đăng ký số lượng và danh sách thi đấu tạm thời sẽ lùi thêm một thời gian nữa. Ông Vath Chamroen khẳng định, sẽ gửi tài liệu này cùng với lịch trình chuẩn bị các công việc tại Đại hội vào chiều ngày 11/1/2023.

Ông Vath Chamroen cũng thông báo việc hủy môn Thể hình khỏi chương trình thi đấu do bộ môn này không chấp hành quy định phòng chống Doping của WADA và nhiều vận động viên nước này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc Campuchia cách đây vài tháng. Ông Vath cho biết thêm, các cá nhân không mang quốc tịch các nước Đông Nam Á sẽ không cần phải đăng ký cấp thị thực để nhập cảnh vào Campuchia trong thời gian Đại hội và cũng không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19. 

Nhân dịp này, Ban Tổ chức SEA Games 32 cũng mời các đại biểu tham dự Hội nghị Trưởng đoàn lần thứ nhất vào ngày 25/1/2023 và trong tháng 3 tới. Các Ủy ban Olympic quốc gia Đông Nam Á dự kiến tổ chức chạy rước đuốc hưởng ứng Đại hội này. (Thông tin chi tiết về rước đuốc hưởng ứng SEA Games 32 sẽ được gửi các nước sớm).

Về vấn đề bản quyền truyền hình, chủ nhà Campuchia thông báo đang nghiên cứu và tiến hành trao đổi với các hãng truyền hình về khả năng bán bản quyền truyền hình SEA Games 32, nhất là mức thu phí bản quyển truyền hình. Đồng thời xin ý kiến về các giải pháp của các nước liên quan đến vấn đề này. Hy vọng tương lai vấn đề bản quyền sẽ được khai thác tại SEA Games giống như tại các Đại hội thể thao châu lục, Olympic. Ông Vath Chamroen cũng cho biết đã làm việc với VTVCab về vấn đề này.

sg-1-1673412396.jpeg

Đoàn Việt Nam thông báo đã nhận được ý kiến của một số Đài Truyền hình ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề bản quyền tại SEA Games 32, đề nghị Ban Tổ chức SEA Games 32 và các đại biểu tham dự họp làm rõ thêm về việc tiếp tục miễn phí bản quyền truyền hình đối với hãng truyền hình quảng bá do nhà nước sở hữu và có xác nhận của Ủy ban Olympic các quốc gia tham dự SEA Games 32 nhưng phải nộp phí tham dự theo thông lệ giống như các kỳ SEA Games trước đây theo  mức (bắt đầu từ năm 2017), gồm:

+ 5.000 USD/Đài Truyền hình đối với các nước: Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan, Việt Nam;

+ 3.000 USD/Đài Truyền hình đối với các nước: Campuchia, Myanma, Lào, Brunei;

+ 1.000 USD/Đài truyền hình đối với Timor Letste.

Về việc này, Ban Tổ chức SEA Games 32 Campuchia cho biết, hiện có khó khăn về sản xuất các chương trình truyền hình tại Đại hội do hạn chế kinh phí nên đề xuất giải pháp thu phí bản quyền truyền hình. Trong trường hợp các đại biểu đồng ý thì khoản kinh phí này sẽ hỗ trợ thêm cho nước chủ nhà làm tốt hơn. Hiện Ban Tổ chức SEA Games 32 đang xin ý kiến các đài truyền hình khu vực Đông Nam Á về nhiều mức giá bản quyền truyền hình khác nhau và sẽ báo cáo với Chính phủ Campuchia xem xét về việc thu phí bản quyền hay phí tham dự của các Đài Rruyền hình tác nghiệp tại Đại hội.

Những vấn đề về bản quyền truyền hình SEA Games 32 trong khuôn khổ của phiên họp này vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau, do vậy, Văn phòng SEAGF và Ban Tổ chức SEA Games 32 sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các nước, nhất là các hãng truyền hình và sẽ tiếp tục được trao đổi tại một phiên họp gần nhất thời gian tới có thể là tại Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 32 tổ chức tại Phnom Penh Campuchia ngày 25/1/2023.

Bên cạnh các vấn đề có liên quan đến SEA Games 32, các đại biểu cũng thông qua Biên bản họp Văn phòng SEAGF tổ chức ngày 15/9/2022 và đề nghị Ban Tổ chức SEA Games 31 Việt Nam cập nhật về những trường hợp dương tính Doping trong thời gian dự Đại hội.
 

Đ.H