Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Giải quyết những thách thức sau COVID-19

Đó là chủ đề của Hội thảo Đào tạo cấp quản lý về chính sách và Chiến lược du lịch diễn ra chiều 13/11 tại Đà Nẵng. Sự kiện do Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức. 

thu-tr-1699945998.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TITC.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, theo thông tin từ UNWTO, số khách du lịch quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 700 triệu lượt, phục hồi 84% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả phục hồi của châu Á - Thái Bình Dương đang chậm hơn so với các khu vực khác. Điều này đặt ra thách thức chung cho khu vực, cũng như mang đến nhiều cơ hội nếu biết cách nắm bắt.

Tại Việt Nam, sau gần hai năm mở cửa, ngành Du lịch đã và đang từng bước phục hồi mạnh mẽ. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, phục hồi 69% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt qua mục tiêu ban đầu đề ra là 8 triệu lượt cho cả năm.

Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo sinh kế người dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như nâng cao uy tín và thương hiệu Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, để phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong giai đoạn mới này, cần nhìn nhận, tư duy lại về du lịch theo hướng bền vững và tự cường, quan tâm hơn đến tăng trưởng xanh và ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và xúc tiến điểm đến. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò thiết yếu của nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cấp quản lý. Hội thảo lần này là sự kiện có ý nghĩa, thiết thực, giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của ngành sau đại dịch, đó là đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ lao động du lịch.

Thứ trưởng bày tỏ kỳ vọng các chuyên gia, diễn giả đầu ngành cùng các quốc gia thành viên trong khu vực đề xuất giải pháp hữu ích, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp du lịch hoạch định chính sách, chương trình, chiến lược phù hợp nhằm đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ lao động chất lượng, có khả năng thích ứng cao và bền bỉ, sẵn sàng ứng phó trước khủng hoảng cũng như góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương mạnh mẽ và tự cường hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết: Hoạt động du lịch tại địa phương này đã đạt sự phục hồi mạnh mẽ và tích cực. Du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian tới là khan hiếm nguồn cung nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cấp quản lý điểm đến, quản lý về chính sách, quản lý điều hành, trưởng và nhân viên các bộ phận dịch vụ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược phát triển du lịch.

Ông Trần Chí Cường cho biết, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ UNWTO, các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức thêm nhiều sự kiện có ý nghĩa giúp các điểm đến nâng cao năng lực phục vụ, đổi mới, sáng tạo, chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả trong quản lý, kinh doanh và phát triển du lịch bền vững.

quang-canh-le-khai-mac-hoi-thao-1699946035.jpg
Quang cảnh Lễ khai mạc Hội thảo. Ảnh: TITC

Theo ông Harry Hwang - Giám đốc Vụ Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNWTO: Kịch bản kinh tế ảm đạm của năm 2020 - năm ngành Du lịch bị ảnh hưởng COVID-19 nghiêm trọng nhất - đã khép lại. Du lịch quốc tế hiện phục hồi 84% so với mức trước đại dịch trong 7 tháng đầu năm 2023, chỉ thấp hơn 16% so với số liệu năm 2019. Trong đó, Trung Đông chứng kiến sự phục hồi tốt nhất từ tháng 1 đến tháng 7/2023, với lượng khách đến vượt mức trước đại dịch 20%. Tại châu Á và Thái Bình Dương, lượng khách đến tăng lên 61% so với trước đại dịch.

Tuy nhiên, ông Harry Hwang khẳng định: Ngành Du lịch vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do những thách thức về kinh tế, lạm phát cao và giá dầu tăng cao. Hội đồng chuyên gia của UNWTO cho rằng, tình trạng thiếu nhân lực là vấn đề nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp du lịch khi họ phải xoay xở để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao.

Đại dịch khiến các doanh nghiệp đóng cửa và sa thải hàng loạt nhân sự trong lĩnh vực du lịch, dẫn đến người lao động chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Sự dịch chuyển công việc của hàng loạt người lao động khiến nhân lực ngành du lịch vừa thiếu hụt cả về số lượng lẫn kỹ năng. Ngoài ra, các công việc trong ngành du lịch thường bị định kiến là không hấp dẫn vì người lao động có xu hướng phải làm việc nhiều giờ hơn, mức lương thấp hơn mức trung bình và có ít cơ hội thăng tiến hơn.

Bà Ji-eun Kang - Vụ trưởng Vụ Chính sách du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc) - nhấn mạnh: Với tư cách là thành viên Hội đồng điều hành UNWTO, đại diện châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp vào sự phát triển du lịch và trao đổi chính sách trong khu vực. Theo bà: Để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, chúng ta phải hiểu biết chung về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực và xây dựng năng lực nhằm nâng cao tính bền vững cũng như khả năng phục hồi của ngành.

Hội thảo Đào tạo cấp quản lý về Chính sách và Chiến lược Du lịch lần thứ 17 của UNWTO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện thường niên nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực cho các nước thành viên. Hội thảo lần này với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực du lịch - Giải quyết những thách thức sau COVID-19” diễn ra từ ngày 13-16/11, gồm Phiên khai mạc, Diễn đàn UNWTO về Phát triển nguồn nhân lực trong ngành Du lịch và 4 phiên thảo luận chuyên đề, bao gồm: các bài phát biểu chính, phần hỏi đáp, thảo luận, trình bày và tham luận của các quốc gia thành viên.

ĐH