Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long nhấn mạnh, vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Đặc biệt, các tỉnh trong khu vực có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang, trong đó 3 địa danh là huyện Mù Cang Chải có gần 2.200ha, huyện Hoàng Su Phì gần 765ha và Sa Pa gần 1.000ha đã được công nhận là Danh thắng cấp Quốc gia. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch.
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, vùng Tây Bắc mở rộng có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn với cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, riêng có về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ sinh thái, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.
Trong những năm qua, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định hiệu quả, phù hợp với xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới, thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát huy giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của cả vùng.
Nhờ sức mạnh của sự liên kết, chính sách hiệu quả và quyết tâm của các cấp chính quyền, du lịch vùng Tây Bắc mở rộng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của một số tỉnh trong khu vực Tây Bắc được đầu tư, nâng cấp, dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều dòng sản phẩm mới hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ông cũng tin tưởng rằng các tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của chương trình liên kết, tranh thủ cơ hội tiếp tục phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc đặc trưng của vùng trong đó tập trung khai thác hệ thống ruộng bậc thang trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có thương hiệu riêng, gắn với các “câu chuyện văn hóa” trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.
Các tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao hướng tới sự chuyên nghiệp; tăng cường kết nối các địa phương và doanh nghiệp du lịch trong cả nước đặc biệt là TP. Hồ Chí minh và các địa phương khác nhằm nâng cao khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số... để từng bước đưa vùng Tây Bắc mở rộng trở thành những điểm đến hấp dẫn và chất lượng hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam nói chung, vùng Tây Bắc mở rộng nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc có vẻ đẹp độc đáo, kỳ vĩ, kết tinh từ văn hóa và lao động của con người vùng cao. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch từ danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang như: Xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang tới du khách trong và ngoài nước...
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra lễ công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023: Tour “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” (Hà Nội - Phú Thọ - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang) - Hà Nội ) và tour “Hùng vĩ Tây Bắc” (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang) - Hà Nội ).