Tại trường đấu được xây dựng trong khuôn viên Điện Invalides ở thủ đô Paris (Pháp), nữ vận động viên 23 tuổi của Việt Nam tranh tài cùng 63 đối thủ khác để xác định các thứ hạng cho vòng loại trực tiếp.
Ở vòng đấu phân hạng, mỗi vận động viên bắn 72 mũi, được chia thành 12 lượt bắn, mỗi lượt 6 mũi. Kết quả chung cuộc sẽ được phân định để xếp hạng từ 1 đến 64. Từ đó, các cặp đấu xác định khi vận động viên có điểm số cao nhất đối đầu vận động viên có điểm số thấp nhất tại vòng loại trực tiếp 1/32.
Ở 2 lượt bắn đầu tiên, Ánh Nguyệt xếp thứ 35 với 107 điểm và 1 lần bắn trúng hồng tâm. Bước sang lượt thứ ba, bằng sự bứt phá ngoạn mục, cô đã nâng tổng điểm lên 165 và xếp thứ 21.
Dù vậy, 3 lượt cuối của hiệp 1, Ánh Nguyệt không có điểm số tốt. Ở lượt bắn thứ tư, cô chỉ bắn 1 mũi 10 điểm và có 1 mũi 8, 1 mũi 7 điểm; rớt xuống hạng 36 với 217 điểm. Lượt thứ năm, chỉ được 50 điểm, Ánh Nguyệt tụt sâu xuống vị trí thứ 47 với 267 điểm. Khép lại hiệp 1 với 6 mũi lượt thứ sáu, cô tích lũy thêm 54 điểm, xếp hạng 46 với 321 điểm.
Sau 6 lượt bắn đầu tiên, các cung thủ bước vào thời gian nghỉ. Đây là quãng thời gian quý báu giúp Ánh Nguyệt lấy lại trạng thái tinh thần tốt nhất. Cô khởi đầu hiệp 2 với 56 điểm, nhích lên 3 bậc. Nữ cung thủ sinh năm 2001 có sự ổn định hơn ở 5 lượt cuối khi điểm số từ 53-56.
Kết thúc vòng phân hạng nội dung Cung 1 dây nữ, Ánh Nguyệt đứng thứ 37 trên Bảng xếp hạng với 648 điểm. Đây là thành tích tốt hơn rất nhiều so với vị trí thứ 49 và 628 điểm của Ánh Nguyệt tại Olympic Tokyo 2020.
Với vị trí thứ 37, Ánh Nguyệt sẽ đối đầu cung thủ Fallah Mobina của Iran (hạng 28) ở vòng 1/32. Ở vòng sơ loại, cung thủ Lim Sihyeon (Hàn Quốc) đã xếp nhất chung cuộc khi đạt tổng điểm 694 đồng thời xác lập kỷ lục thế giới.
Sau vòng loại, 64 cung thủ sẽ bước vào vòng đấu loại trực tiếp, diễn ra từ ngày 30/7 đến 1/8. Các cặp đấu được xếp theo quy định vận động viên đứng nhất vòng loại gặp vận động viên xếp thứ 64, vận động viên xếp nhì gặp 63, cho đến khi 32 gặp 33. Như vậy, Nguyệt đứng thứ 37 sẽ gặp vận động viên đứng thứ 28 là Mobina Fallah của Iran.
Ở vòng đấu loại trực tiếp, 2 cung thủ thi đấu tối đa 5 set. Mỗi set bắn 3 mũi tên để tính tổng điểm. Vận động viên thắng sẽ được 2 điểm, hòa được 1 điểm và ai đạt 6 điểm trước sẽ thắng chung cuộc. Nếu hòa 5-5 sau 5 set, 2 cung thủ sẽ bắn loạt tie-break với 1 mũi tên. Ai bắn gần tâm nhất sẽ giành chiến thắng.
Tại Olympic Tokyo 2021, Ánh Nguyệt cũng là vận động viên thi đấu mở màn cho đoàn Thể thao Việt Nam. Ở kỳ Thế vận hội đó, cô bắn được 628 điểm, đứng thứ 49 vòng loại, trước khi dừng bước đáng tiếc ở vòng 1/32 vì thua điểm tie-break trước cung thủ Nhật Bản - Ren Hakayawa.
Đỗ Thị Ánh Nguyệt sinh ngày 15/1/2001 tại Hưng Yên, là một trong 8 vận động viên sinh sau năm 2000 của đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic 2024. Cô tham gia thể thao với môn Bóng rổ năm 2016 nhưng không hợp. Một năm sau, Nguyệt được chuyển hướng sang bắn cung dù ban đầu không thích, nhưng dần dần cô trở nên yêu thích và bộc lộ năng khiếu với môn thể thao này.
Sau Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong bước vào nội dung Bắn cung đơn nam, diễn ra lúc 19 giờ 15 phút hôm nay. Tổng điểm của Quốc Phong và Ánh Nguyệt sẽ được dùng để phân thứ bậc ở nội dung đôi nam - nữ.
Ngoài việc nỗ lực có hạt giống cao ở nội dung cá nhân, Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong - cung thủ thi đấu nội dung Cung 1 dây nam, cũng cần cố gắng đạt tổng điểm tốt nhất có thể để lọt vào nhóm 16 cặp cung thủ thi đấu nội dung đồng đội hỗn hợp, diễn ra từ 14 giờ 30 ngày 2/8.
Ở Olympic Tokyo 2021, Ánh Nguyệt và Hoàng Phi Vũ (nam) chỉ đứng thứ 23/29 ở tổng điểm nam - nữ và không thể tiếp tục thi đấu nội dung đồng đội hỗn hợp.