Gìn giữ, trao truyền những nét đẹp di sản văn hóa quý giá
Hát Then, đàn Tính vốn là đặc trưng văn hóa của dân tộc Tày, Nùng, Thái vùng núi phía Bắc. Theo bước chân trong hành trình mưu sinh của cộng đồng các dân tộc này, hát Then, đàn Tính đã có mặt ở vùng Tây Nguyên đầy nắng gió trong mấy chục năm qua, tiếp tục khẳng định sức sống bền bỉ của di sản và sự hài hòa, thống nhất trong đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nói đến hát Then, đàn Tính không thể không nhắc đến Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng. Năm 2022, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng vinh dự là một trong 64 Nghệ nhân trên cả nước được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Năm 2023, với những đóng góp đặc biệt của mình, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc.
Dù đã gần tuổi 80 nhưng Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, người dân tộc Tày (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) vẫn dành tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ và những người dân địa phương về giá trị của loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Đến tận bây giờ, câu Then, tiếng Tính của bà vẫn là nguồn cảm hứng thu hút nhiều người đến với loại hình nghệ thuật văn hóa này.
Thành thạo kỹ năng về hát Then, đàn Tính, hát Bụt cổ, Then cổ, khả năng độc tấu đàn Tính thành thạo, chuyển thể các làn điệu then để viết lời, bà còn nắm vững các giai điệu then của các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
Nhớ lại những ngày còn nhỏ, mỗi dịp sau Tết các nhà trong xóm thường mời thầy cúng đến làm lễ và trẻ con cũng được đi theo, Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng chia sẻ, tại các buổi lễ đó, thấy âm nhạc của hát Then và đàn Tính rất hay, lời ca và giai điệu đã tự nhiên thấm dần vào bà lúc nào không hay.
Theo bà, hát Then có nhiều làn điệu, mỗi làn điệu có đặc trưng riêng. Đó là những lời ca, tiếng nhạc được chắt lọc từ chính những nét đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Nếu liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh sử dụng tiếng hát để giao duyên với nhau thì người Tày, Nùng cũng dùng những lời ca để đối đáp và nên duyên vợ chồng…
Được biết, Khi được tuyển vào Đoàn Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, bà Hồng đã mang tiếng đàn Tính, câu hát Then phục vụ đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Ngày nghỉ hưu, bà lại tìm đến với những người mê lời Then, tiếng Tính để truyền dạy. Năm 2007, bà Hồng đã thành lập Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then tỉnh Thái Nguyên.
Tiếng lành đồn xa, không ít người ở các huyện như Định Hóa, Phú Lương… đã tới đăng ký tham gia câu lạc bộ. Ngày mới thành lập chỉ có 18 thành viên thì đến nay câu lạc bộ đã có hơn 100 thành viên. Tính đến nay, Câu lạc bộ Đàn Tính, hát Then do Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng làm Chủ nhiệm đã truyền dạy cho hơn 700 học viên, người lớn tuổi nhất cũng gần 90, còn em nhỏ nhất mới học lớp 3.
Sức lan tỏa từ lời hát Then, tiếng đàn Tính là sự ghi nhận hết sức đáng quý đối với người nghệ nhân. Điều đó đã tiếp thêm động lực để những nghệ nhân như Nghệ nhân nhân dân Bích Hồng không ngừng cống hiến, gìn giữ, trao truyền những nét đẹp di sản văn hóa quý giá cho các thế hệ sau.
Gìn giữ, phát triển di sản của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái
Trong thời gian quan, việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại về "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương quan tâm với nhiều giải pháp thiết thực.
Mới đây nhất, Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024 đã được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.
Việc tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái là hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để các địa phương giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật hát Then, đàn Tính truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Chị Bùi Thị Hồng Anh, dân tộc Tày (Điện Biên), chia sẻ: "Hát Then là một nghệ thuật truyền thống lâu đời, vô cùng quan trọng trong đời sống của đồng bào người Tày nói chung và người Tày ở Điện Biên nói riêng. Ngay từ khi rất nhỏ hầu hết chúng tôi đều đã được nghe người lớn, người già hát Then và lời Then ngấm vào người lúc nào không biết".
Đến với Liên hoan, chị Bùi Thị Hồng Anh bày tỏ: "Chúng tôi rất tự hào khi được trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật năm nay, tiết mục Hát then, một loại hình văn nghệ mà đã được UNESCO công nhận trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng tôi lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với cộng đồng".
Tham gia trình diễn tại Liên hoan, Nghệ nhân ưu tú Chu Thị Thà (71 tuổi, dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng) chia sẻ, Liên hoan thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của nghệ thuật hát Then, đàn Tính; góp phần thu hút khách du lịch. Liên hoan cũng giúp thúc đẩy phát triển phong trào hát Then, thu hút nhiều bạn trẻ cùng tham gia, góp phần gìn giữ, phát triển di sản của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Gần 40 năm thực hành nghệ thuật Then, nghệ nhân Chu Thị Thà cho biết, những năm trước, ở Cao Bằng chỉ có một vài thầy Then, người theo học nghệ thuật Then cũng rất ít, nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, UBND tỉnh nên Then ngày càng phát triển phong phú, ngày càng có nhiều người trẻ học hát Then, đàn Tính.