Những "Cô gái vàng" ở làng bóng chuyền Phú Hải

Hơn 60 năm trước, những cô gái tuổi 18-20 của đội nữ bóng chuyền Phú Hải, thị xã Đồng Hới (nay là phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới) đã tích cực tập luyện, nỗ lực thi đấu để 2 năm liền (1962 và 1963) đoạt chức vô địch giải Bóng chuyền nữ nông thôn toàn miền Bắc. Càng ấn tượng hơn, khi ở Phú Hải có một nữ anh hùng cũng rất giỏi bóng chuyền…

Dấu ấn của Thể thao Quảng Bình

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đoàn Thị (80 tuổi, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) - người có nhiều am hiểu về bóng chuyền - chia sẻ: Đầu những năm 60, cùng với các môn Bóng đá, Bắn súng, Chạy việt dã, Bơi lội, phong trào tập luyện bóng chuyền ở Quảng Bình gần như được phổ cập trên địa bàn tỉnh với nhiều đội bóng được thành lập. Đáng chú ý, bóng chuyền nữ cũng đã lôi cuốn đông đảo chị em ở nông thôn tham gia tập luyện. Tiêu biểu như ở xã Quảng Kim (Quảng Trạch), xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) và theo thống kê thì có 5/7 huyện, thị xã lúc đó có đội bóng chuyền nữ. Đặc biệt, đội bóng chuyền nữ Phú Hải được đánh giá là đội bóng chuyền nữ mạnh nhất ở Đồng Hới lúc bấy giờ. Đội hình có 6 chị, gồm: Chị Lâm (đội trưởng), chị Dụng, chị Lớn, chị Lào, chị Đông và chị Côi.

bong-chuyefn-nu-1727767747.jpg
Bóng chuyền là môn thể thao thu hút nhiều phụ nữ của tỉnh Quảng Bình luyện tập

Dưới sự huấn luyện của ông Nguyễn Thanh Đàm (quê ở xã Quảng Thanh, Quảng Trạch), Trưởng phòng Thể dục thể thao (Ban Thể dục thể thao tỉnh), đội bóng chuyền nữ Phú Hải, đại diện cho tỉnh Quảng Bình đã tham gia giải bóng chuyền nông thôn miền Bắc năm 1962. Thi đấu với các đội bóng chuyền ở miền Bắc, các cô gái ở Phú Hải với năng khiếu và sự hiểu ý đồng đội đã liên tiếp vượt qua nhiều đội bạn để chung cuộc giành vô địch. Tiếp đó vào năm 1963, đội bóng chuyền nữ Phú Hải được cử tham gia giải bóng chuyền nông thôn toàn miền Bắc và tiếp tục giành chức vô địch.

Hai lần vươn lên vị trí cao nhất của giải bóng chuyền miền Bắc là thành tích ấn tượng, tạo dấu ấn sâu đậm của đội bóng chuyền nữ Quảng Bình, trong đó ghi nhận sự nỗ lực của những "Cô gái vàng” ở làng bóng chuyền Phú Hải.

Gặp lại những danh thủ ngày xưa

Chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Lào (83 tuổi) ở tổ dân phố Nam Hồng, phường Phú Hải ở bên bờ Nhật Lệ khi chiều muộn. Rưng rưng khi nhắc lại những kỷ niệm của thời tuổi trẻ với bóng chuyền, bà Lào chia sẻ: “Ngày đó, chị em chúng tôi thường tập trung về sân bóng ở thôn Phú Thượng để tập luyện. Người biết đánh bóng hướng dẫn người chưa biết các kỹ thuật chơi bóng, dần dà, chị em trong đội chơi rất lên tay. Nhiều hôm còn thi đấu giao hữu với các đội bóng chuyền nam ở các đơn vị đóng trên địa bàn.

Cách nhà bà Lào một khoảng gần là nhà bà Nguyễn Thị Dụng (cùng 83 tuổi) là một trong những cầu thủ “chủ chốt” của đội. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Dụng vẫn nhớ rõ về những sự kiện liên quan đến việc tham gia giải bóng chuyền nông thôn toàn miền Bắc. Theo bà Dụng, sau quá trình luyện tập, đội đã thi đấu nhiều trận và đoạt thành tích cao ở vòng loại khu vực cụm từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa nên vào vòng trong của giải để tiếp tục thi đấu với các đội bóng chuyền ở miền Bắc.

Bà Dụng nhớ lại, tại trận chung kết tranh giải vô địch Bóng chuyền nữ nông thôn miền Bắc năm 1963, đội Quảng Bình đã thi đấu với đội tuyển Hà Nội, một đội rất mạnh của khu vực miền Bắc lúc bấy giờ. Với đấu pháp hợp lý, tính đồng đội cao cùng với những đường nêu bóng linh hoạt biến hóa của các cầu thủ chuyền hai của Quảng Bình, như: Nguyễn Thị Dụng, Hoàng Thị Lào, Hoàng Thị Lớn đã tạo cơ hội cho các chủ công Võ Thị Lâm (đội trưởng), Hoàng Thị Đông, Hoàng Thị Côi thực hiện những cú đập nhanh cùng những pha phát bóng đầy uy lực và những pha bỏ nhỏ liên tục… Kết quả, đội tuyển bóng chuyền nữ Quảng Bình (nòng cốt là đội Phú Hải) đã thắng đội tuyển nữ Hà Nội với tỷ số 3-2, giành danh hiệu vô địch giải Bóng chuyền nữ nông thôn toàn miền Bắc năm 1963.

Cho đến bây giờ, hơn 60 năm trôi qua, với các nữ cầu thủ tuổi đã trên 80 nhưng những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ với bóng chuyền cứ nối dài. Các bà luôn nhắc nhở con cháu thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.

bong-chuyen1-1727767828.jpg
Bà Nguyễn Thị Dụng (bên trái) và bà Hoàng Thị Lào (bên phải) kể lại những kỷ niệm tham gia giải bóng chuyền nông thôn miền Bắc

Nữ anh hùng mê bóng chuyền

Năm 1964, đế quốc Mỹ dựng nên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi trên miền Bắc. Để bảo vệ Tổ quốc, quê hương, quân và dân Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với khí thế khẩn trương, chủ động, tự tin và quyết thắng. Cùng chung tay chống giặc, phong trào thể dục thể thao ở Quảng Bình chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến. Các cầu thủ trong đội bóng chuyền Phú Hải trở thành những o dân quân du kích, thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến trường...

Theo ông Đoàn Thị, khi phong trào bóng chuyền nữ ở Phú Hải có bước phát triển sẽ lôi cuốn nhiều người tham gia tập luyện. Cùng với “lứa các chị” trong đội bóng, ở tuổi 20, chị Trần Thị Lý (SN 1944) ở thôn Phú Thượng cũng thường xuyên tham gia tập luyện. Với niềm yêu thích bóng chuyền, chị Lý thường rủ bạn học ra thị xã xem thi đấu. Hình ảnh những cầu thủ nhanh nhẹn, đánh bóng giỏi đã tạo ấn tượng với Lý. Chính vì vậy, ngay từ năm 15 tuổi, Lý đã chơi thành thạo môn Bóng chuyền.

Trong cuốn “50 năm Thể dục thể thao Quảng Bình” đã đăng lại bài viết “Sóc hoa Lý” viết về chị Trần Thị Lý trên báo Thể dục Thể thao. Trong bài viết đã kể lại: “Mỗi lần thuyền cập bến, xong việc, Lý lại rủ các bạn lên bờ tìm bãi chơi bóng hoặc đấu giao hữu với đội bóng địa phương. Lý đã góp phần vào việc xây dựng phong trào bóng chuyền của xã, làm cho đội nữ bóng chuyền Phú Hải trở thành đội vô địch mấy mùa giải của tỉnh”.

Không chỉ là vận động viên xuất sắc của đội bóng chuyền nữ Phú Hải, chị Trần Thị Lý đã lập công xuất sắc trong trận máy bay Mỹ đánh phá cầu Dài vào tháng 4/1965. Với những thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chị Trần Thị Lý đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 1/1967.

Tân Bình (Báo Quảng Bình)