Nhiều hoạt động đặc sắc trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 17-20/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo đó, sự kiện được tổ chức nhằm thiết thực chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); kỷ niệm 79 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946-19/4/2025) và gần 20 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. 

ngay-hoi-1743584077.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vai trò trách nhiệm của nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. 

Tăng cường công tác phối hợp trong tổ chức hoạt động hằng ngày và hoạt động sự kiện giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các địa phương. Mang đến cho Nhân dân, du khách cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm, thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam thông qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo Kế hoạch, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 17- 20/4/2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thành phần tham gia khoảng hơn 300 người, 54 thành phần dân tộc của các tỉnh, thành phố: Khoảng hơn 100 nghệ nhân, đồng bào các dân tộc của 16 nhóm đồng bào đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Thái, dân tộc Lào, dân tộc Khơ Mú (Sơn La); dân tộc Mông (Hà Giang); dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Thái Nguyên); dân tộc Dao (thành phố Hà Nội); dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (thành phố Huế); dân tộc Ba Na, dân tộc Gia Rai (Gia Lai); dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum); dân tộc Raglai (Ninh Thuận); dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk); dân tộc Khmer (Sóc Trăng). Huy động thêm khoảng hơn 100 người: 25 đồng bào dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk); 20 đồng bào dân tộc Khmer (tỉnh Sóc Trăng); 30 đồng bào dân tộc Thổ (tỉnh Thanh Hóa); 20 đồng bào dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình); 10 đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Phú Lộc, thành phố Huế); Đại diện 54 thành phần dân tộc của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra “Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam” nhằm tổng kết, đánh giá công tác phối hợp huy động đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động sự kiện và hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; chỉ ra những hạn chế, tồn tại; đề xuất, kiến nghị; xác định mục tiêu, định hướng các hoạt động hằng ngày, hoạt động sự kiện trong thời gian tiếp theo; Biểu dương, khen thưởng các địa phương, nhóm đồng bào tích cực trong công tác phối hợp, tham gia tổ chức các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…

Cùng với đó là các hoạt động trình diễn giới thiệu di sản, văn hóa địa phương như: Sắc màu văn hóa dân tộc Khmer Sóc Trăng, tái hiện tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, Không gian âm nhạc truyền thống và giới thiệu quảng bá du lịch, triển lãm hình ảnh của tỉnh Sóc Trăng...

Giới thiệu Không gian văn hóa “Sắc màu cao nguyên Đắk Lắk giới thiệu đến du khách các nhạc cụ truyền thống: cồng chiêng, chiêng tre, ching cram...; Biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ: hát Aray, dân ca, các ca khúc về Tây Nguyên, múa xoang...; giới thiệu nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm OCOP...; giao lưu cùng đồng bào và du khách.

lang-van-hoa-1743584128.jpg
Đồng bào các dân tộc và du khách đã cùng hòa vào các chương trình dân ca dân vũ rộn ràng không khí mùa Xuân diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Sắc màu văn hóa vùng cao xứ Thanh qua không gian văn hóa dân tộc Thổ, tỉnh Thanh Hóa sẽ tái hiện Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa; Chương trình giao lưu “Sắc màu vùng cao” mang đến những tiết mục đặc sắc như: Hòa tấu các loại nhạc cụ truyền thống, các bài hát dân ca, dân vũ, dân nhạc, trình diễn giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc Thổ xứ Thanh; Giao lưu cùng một số đồng bào đang hoạt động tại Làng gần với không gian văn hóa dân tộc Thổ (Tày, Nùng, Dao, Mông) và du khách. 

Hoạt động của cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu, tái hiện nét văn hóa trong cuộc sống hằng ngày, phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục, dân ca, dân vũ, ẩm thực dân tộc, nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian… của 16 nhóm đồng bào các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng: dân tộc Tày, dân tộc Nùng (Thái Nguyên), dân tộc Dao (thành phố 7 Hà Nội), dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Lào, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (thành phố Huế), dân tộc Ba Na, dân tộc Gia Rai (Gia Lai), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Khmer (Sóc Trăng).

Giới thiệu các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 2025 của các nhóm đồng bào đang hoạt động hằng ngày tại “Ngôi nhà chung” cũng như văn hóa - du lịch của địa phương tham gia Ngày hội; Tổ chức giao lưu và dân ca dân vũ với chủ đề “Hoa xứ Mường” của đồng bào Mường tỉnh Hoà Bình và chương trình giới thiệu ẩm thực dân tộc, văn hoá du lịch của dân tộc Cơ Tu tại Làng...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2025 được tổ chức trang trọng, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết. Nội dung các hoạt động đặc sắc, hình thức thể hiện phong phú, đề cao vai trò chủ thể văn hóa tại “Ngôi nhà chung”, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh giá trị truyền thống dân tộc. 

Thực hiện tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Ngày hội; quảng bá rộng rãi về nội dung hoạt động nhằm thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đảm bảo tổ chức thực hiện kế hoạch thành công. 

T.H