Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021: Tập trung phát triển thể dục thể thao theo hướng rõ nét, cụ thể

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thể dục thể thao phải tập trung theo hướng “một trọng tâm, ba đề án, hai đột phá”. Trọng tâm là phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020", qua đó đề xuất với Trung ương Ban hành Nghị quyết mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực TDTT.

Ba Đề án là: Chiến lược thể thao; Đề án phát triển thể lực, tầm vóc của con người; Đề án cuộc vận động học tập, rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ thực chất hơn, rõ hơn.

Hai nhiệm vụ đột phá là: Thể thao thành tích cao đi ra đấu trường quốc tế mang vinh quang về cho đất nước; Chuẩn bị các điều kiện cho ngày hội thể thao của khu vực ASEAN - SEA Games. Báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước để chuẩn bị thật tốt những điều kiện này.

Nhấn mạnh về mối quan hệ tác động qua lại mật thiết, hữu cơ và gắn bó của ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng cho rằng, ngành Thể dục thể thao dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua cũng đã làm được, đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Và tinh thần đó cần được phát huy để có thể vận hành nhuần nhuyễn “cỗ xe tam mã” trong đó lấy văn hóa làm dây cương. 

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Thể thao Việt Nam đã đạt được một số thành tích nổi bật: Đội tuyển bóng đá nam quốc gia xuất sắc giành quyền thi đấu vòng loại thứ ba (gồm 12 đội tuyển xuất sắc nhất châu Á) giải vô địch bóng đá thế giới năm 2022 tại Qatar; đội tuyển Futsal Việt Nam xuất sắc giành quyền tham dự vòng chung kết giải vô địch Futsal thế giới tại Lithuania; đội tuyển Taekwondo xuất sắc giành 1 huy chương vàng (giải vô địch châu Á tại Lebanon). Công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo, SEA Games 31, ASEAN Para Games 11 và các giải thể thao quốc tế được đặc biệt quan tâm, đã có 16 suất tham dự Olympic Tokyo...

Tổng kết trên toàn quốc Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020" và triển khai Kế hoạch tổ chức Cuộc vận động giai đoạn 2021-2030 gắn với tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân giai đoạn 2020-2030. Các địa phương tổ chức các hoạt động thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương triển khai hoạt động thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe toàn dân.

Bên cạnh những kết quả đó, vẫn còn không ít khó khăn. Công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 triển khai còn chậm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan (ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh phí chậm phân bổ). Một số địa phương tổ chức Đại hội nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội, gây gián đoạn công tác chuẩn bị SEA Games 31, nhất là việc triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp công trình thể thao. Các giải thi đấu, các hoạt động thể dục thể thao liên tục bị hủy hoặc lùi thời hạn tổ chức, gây khó khăn cho công tác điều hành. Các đội tuyển thể thao hầu như không có cơ hội tập huấn, thi đấu cọ xát tại nước ngoài, ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của vận động viên, cũng như chỉ tiêu số lượng vận động viên đạt chuẩn tham dự Olympic Tokyo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng nêu rõ: Năm 2021 là năm chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, các Kế hoạch và Chương trình hành động của Chính phủ, cũng có thể hiểu đây là năm chúng ta phải làm cơ chế chính sách. Vì vậy, bên cạnh chúng ta đề ra phương châm "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến" thì chúng ta phải tập trung từ nay đến 6 tháng còn lại phải hoàn thiện cho được về thể chế và cơ chế chính sách để đồng bộ hơn, để giải quyết bài toán mà thực tiễn cuộc sống đang đề ra. 

Và đối với lĩnh vực Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể cần triển khai là: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; Hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022; Kế hoạch phát triển thể dục, thể thao giai đoạn 2021-2025; tổng kết 10 năm thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Đề án phát triển kinh tế thể thao. 

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Phối hợp với các Bộ, ngành ký kết và triển khai Chương trình phối hợp về công tác thể dục thể thao giai đoạn 2021-2025. Tổ chức các Hội thi, giải thể thao quần chúng cấp toàn quốc và các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao cơ sở đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.  

Tập trung cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic Tokyo; chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

PT