Trong những ngày thi đấu vừa qua, điền kinh Việt Nam đã giành được rấm nhiều huy chương vàng tại SEA Games 31 nhưng phải đến chiều hôm nay, chân chạy Quách Thị Lan mới mang về tấm huy chương vàng cá nhân đầu tiên về cho mình tại đấu trường khu vực ở nội dung 400m rào nữ.
Quách Thị Lan là người vào cuộc đầu tiên trong các nội dung chung kết của môn Điền kinh SEA Games 31 diễn ra vào chiều 17/5. Nhà vô địch ASIAD 18 đã thành công trong việc khẳng định vị thế số 1 ở đấu trường khu vực khi trở thành vận động viên mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho điền kinh Việt Nam trong ngày thi đấu hôm nay.
Tham dự chung kết nội dung 400m rào nữ chỉ có 5 vận động viên, trong đó, Việt Nam có 2 đại diện là Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền. Cùng với đó là Benny Nontanam, Piychat Khaoluan (Thái Lan) và Robyn Crisostomo (Philippines).
Tung sức ngay khi còi lệnh xuất phát, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền (2 tuyển thủ đại diện của Việt Nam tại nội dung này) cùng lao về phía trước. Ở những mét cuối của cuộc đua, Quách Thị Lan đã có tốc độ tốt hơn để cán đích đầu tiên với kết quả 56 giây 33 qua đó giành huy chương vàng trong khi Nguyễn Thị Huyền ở vị trí thứ nhì, đoạt huy chương bạc với kết quả 56 giây 41.
Quách Thị Lan là gương mặt quen thuộc của điền kinh Việt Nam tại những cuộc thi khu vực và quốc tế gần 10 năm qua ở 2 nội dung 400m và 400m rào. Chân chạy 27 tuổi từng đoạt huy chương vàng ASIAD 2018 và 2 lần vô địch châu Á ở 2 nội dung cá nhân sở trường này, nhưng phải đến SEA Games 31 Lan mới giành được huy chương vàng cho mình.
Qua 4 lần dự Đại hội Thể thao khu vực (từ SEA Games 2013), Quách Thị Lan mới chỉ đạt thành tích tốt nhất là huy chương bạc cá nhân ở nội dung 400m và 400m rào tại Myanmar 2013, 400m tại Singapore 2015. Chấn thương là rào cản lớn nhất khiến Lan không thể chạm tới vinh quang ở SEA Games, dù luôn đạt thành tích rất tốt trong quá trình chuẩn bị.
Chia sẻ sau phần thi đấu, Quách Thị Lan cho biết: "Trước cuộc thi đấu này tôi có chút áp lực khi cuộc cạnh tranh với chị Nguyễn Thị Huyền nhưng cuối cùng tôi đã thành công và khẳng định được thành tích của mình".
Trước đó, trong chung kết 400m nữ đã thi đấu ở SEA Games 31 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Quách Thị Lan đã thua Nguyễn Thị Huyền và không thể giành được huy chương vàng. Tại SEA Games 31, Quách Thị Lan đã dự thi 400m, 400m rào và tiếp sức hỗn hợp 4x400m. Cô vẫn còn hy vọng đoạt thêm huy chương vàng ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ.
Ở nội dung 7 môn phối hợp, Nguyễn Linh Na đã làm nên cuộc ngược dòng ngoạn mục để giành tấm huy chương vàng trong sự ngỡ ngàng của đối thủ đến từ Philippines và Malaysia.
Trước khi ngày thi đấu 3 nội dung cuối cùng của 7 môn phối hợp, vận động viên Norliyana Kamarruddin (Malaysia) là người dẫn đầu với 3.237 điểm và trở thành ứng viên nặng ký cho tấm huy chương vàng tại SEA Games 31. Trong khi đó, Nguyễn Linh Na được 3.231 điểm xếp ở vị trí thứ hai.
Thậm chí, trong cuộc thi đấu vào ngày 17/5, Linh Na tiếp tục xếp sau Kamarruddin ở nội dung nhảy xa nữ và khoảng cách lúc này giữa 2 vận động viên đã được nới rộng lên tới 18 điểm, 3.960 điểm so với 3.978 điểm.
Tuy nhiên, với sự xuất sắc ở 2 nội dung thi đấu cuối cùng, Linh Nam đạt thành tích 41m85 ở nội dung ném lao giành 703 điểm và giành thêm 752 điểm ở nội dung 800m nữ (thành tích 2 phút 25 giây 35) để bứt lên đứng ở vị trí số 1 nội dung 7 môn phối hợp nữ với tổng số 5.415 điểm.
Trong khi đó, sự hụt hơi ở 2 nội dung thi đấu đã khiến Norliyana Kamarruddin (Malaysia) tụt xuống vị trí thứ ba, nhận huy chương đồng với 5.262 điểm, còn vận động viên Sarah Dequiman Noveno (Philippines) vươn lên giành huy chương bạc với 5.381 điểm.
Như vậy sau 17 năm, Điền kinh Việt Nam mới giành huy chương vàng ở nội dung này. “Cảm giác giành huy chương vàng SEA Games trên sân nhà thật tuyệt vời. Đây cũng là thành tích vượt xa mục tiêu mà em đề ra. Đối với một vận động viên điền kinh, thi đấu 1 môn cũng đã là mệt rồi nhưng không hiểu sao em lại có niềm đam mê với bộ môn này. Em thấy là chơi nhiều môn cùng lúc sẽ đỡ bị nhàm chán hơn”, Linh Na chia sẻ sau khi giành huy chương vàng.
Hai ngày sau khi giành huy chương vàng 5.000m, chiều nay, Nguyễn Văn Lai tiếp tục thi 10.000m. Nội dung này chỉ có 5 "chân chạy" dự tranh huy chương, gồm 2 vận động viên chủ nhà. Bên cạnh Văn Lai, điền kinh Việt Nam còn có Lê Văn Thao góp mặt.
Nguyễn Văn Lai thể hiện sự dẻo dai ở tuổi 36 khi không mất quá nhiều sức để giành huy chương vàng 5.000m với 16 phút 34 giây 12. Tại Philippines 3 năm trước, anh nhận huy chương bạc khi để thua đối thủ nhập tịch Thái Lan - Kieran Tuntivate.
Văn Lai bứt tốc ở vòng cuối, không cho đối thủ cơ hội bắt kịp. Thậm chí, anh chào các cổ động viên trên khán đài sân Mỹ Đình trước khi cán đích. Văn Lai bỏ cách người chậm nhất 1 vòng sân. Ở kỳ SEA Games cuối trong sự nghiệp, "ngôi sao" 36 tuổi đoạt 2 huy chương vàng.
Như vậy, Nguyễn Văn Lai đã thành công trong việc chinh phục mục tiêu giành 2 huy chương vàng ở 2 nội dung sở trường là 5.000m và 10.000m nam tại SEA Games 31, thể hiện nỗ lực rất lớn của anh trong tập luyện, thi đấu.
Với tấm huy chương vàng của Nguyễn Văn Lai, Điền kinh Việt Nam đã đạt 16 huy chương vàng tại SEA Games lần này và hoàn thành chỉ tiêu giành từ 15-17 huy chương vàng.
Bất ngờ đã đến với các "kình ngư" Việt Nam trong phần thi đấu cuối cùng của ngày thi đấu thứ 4 môn bơi với thành tích phá kỷ lục Đại hội và giành huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x200m tự do nam.
Tham dự nội dung này gồm 5 đội đến từ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, Singapore với nhà vô địch Olympic Rio 2016 Joseph Schooling trong đội hình là ứng viên số 1 cho tấm huy chương vàng, được xếp thi đấu ở đường số 4.
Đội hình chủ nhà Việt Nam có 4 "kình ngư" gồm: Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên xuất phát ở đường số 2.
Sự so tài giữa các vận động viên Việt Nam và Singapore đã diễn ra rất quyết liệt ngay từ lượt đầu tiên và ưu thế sớm thuộc về các "kình ngư" Singapore. Nhưng kể từ lượt thi đấu thứ ba, Hoàng Quý Phước đã vươn lên dẫn trước tạo lợi thế lớn để Trần Hưng Nguyên bứt phá về đích, bỏ xa đối thủ ở lượt bơi thứ 4.
Chung cuộc, đội tuyển bơi Việt Nam về nhất với thời gian 7 phút 16 giây 31 thiết lập kỷ lục mới của Đại hội và vượt qua kỷ lục cũ (7 phút 17 giây 88) tới hơn 1 giây, giành huy chương vàng đầy thuyết phục. Trong khi đó, đội Malaysia giành huy chương bạc với thành tích 7 phút 19 giây 75, đội Singapore chỉ giành huy chương đồng với thành tích 7 phút 21 giây 49.
Như vậy, đây là lần thứ 2, các "kình ngư" Việt Nam đã đánh bại nhà vô địch Olympic Rio 2016 Joseph Schooling và các đồng đội ở nội dung thi đấu tiếp sức.
Cũng trong ngày đội tuyển bơi Việt Nam còn giành thêm 2 huy chương bạc nhờ công của Phạm Thanh Bảo ở nội dung 200m ếch nam (dù thành tích 2 phút 12 giây 09 vượt kỷ lục SEA Games 2 phút 12 giây 57 nhưng thua đối thủ người Singapore); Lê Nguyễn Paul ở nội dung 50m bướm nam, thành tích 25 giây 85 và 1 huy chương đồng của Võ Thị Mỹ Tiên nội dung 400m tự do nữ.
Kết thúc ngày thi đấu thứ ba, đội tuyển bơi Việt Nam đã giành tổng số 7 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, mở ra cơ hội sẽ vượt chỉ tiêu giành từ 6-8 huy chương vàng tại SEA Games 31.
Ngày 17/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh, các kỳ thủ bước vào vòng thi đấu bán kết và chung kết nội dung cờ Nhanh cá nhân nam, cờ Nhanh cá nhân nữ của môn cờ Vua.
Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên trở thành cặp vợ chồng đầu tiên của Thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng cùng thời điểm ở SEA Games lần này.
Ở chung kết cờ Nhanh cá nhân đơn nam và nữ trưa 17/5, Trường Sơn và Thảo Nguyên lần lượt gặp Tin Jingyao và Gong Qianyun (Singapore). Dù có Elo cao hơn, cả 2 đều bị cầm hòa ở 2 ván cờ Nhanh. Họ đều phải bước vào loạt tie-break và bốc thăm với quân trắng.
Theo thể thức tie-break, kỳ thủ cầm quân trắng có 5 phút, đen có 4 phút, không có thời gian cộng thêm. Nhưng đen hòa cũng đủ để đoạt huy chương vàng, còn trắng buộc phải thắng. Thảo Nguyên vì thế đã mạo hiểm tấn công thành để giành chiến thắng sau 45 nước cờ, trong khi Gong Qianyun không thể tránh khỏi nước chiếu hết kế tiếp.
Chỉ ít giây sau, Trường Sơn cũng đánh bại Tin Jingyao sau 50 nước cờ, khi hơn hẳn tượng, 3 tốt lẫn thời gian. Kết quả này giúp Trường Sơn và Thảo Nguyên cùng nhau giành huy chương vàng với tư cách 2 vợ chồng, ở 2 nội dung khác nhau.
Như vậy, vợ chồng Trường Sơn, Thảo Nguyên đã giành thêm 2 tấm huy chương vàng về cho cờ Vua Việt Nam. Trường Sơn là kỳ thủ số 2 Việt Nam với Elo cờ tiêu chuẩn 2.641. Anh từng vô địch U10 thế giới năm 2000 và đoạt tới 4 huy chương vàng ở lần đầu dự SEA Games, khi mới 15 tuổi. Thành tích hôm nay giúp Trường Sơn chạm mốc 8 huy chương vàng tại đấu trường khu vực.
Đây mới là huy chương vàng thứ hai của Thảo Nguyên ở SEA Games, sau lần đầu là SEA Games 2011. Kỳ thủ nữ số 1 Việt Nam từng là thành phần đội tuyển đoạt huy chương đồng cờ Vua ở ASIAD 2010.
Trong khi đó, kỳ thủ Lê Quang Liêm thi đấu không tốt khi thua 2 trong 7 ván và không được dự bán kết. Sau khi giành 2 huy chương vàng, Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ ở SEA Games 31 khi không còn tham gia thi đấu ở nội dung nào nữa. Ngược lại, Thảo Nguyên sẽ tiếp tục thi đấu ở 3 nội dung còn lại của môn cờ Vua trong những ngày tới.
Ngày mai 18/5, các kỳ thủ tiếp tục thi đấu ở nội dung cờ Nhanh đồng đội nam, nữ.
Góp phần vào thành công chung của Đoàn Thể thao Việt Nam không thể không nhắc tới chiến công của các môn võ như kurash, pencak silat, taekwondo và hôm nay là chiến công của các đô vật thuộc đội tuyển vật quốc gia.
Trong ngày thi đấu hôm nay, đội tuyển vật Việt Nam đã giành tất cả 6 huy chương vàng trong tổng số 6 nội dung thi đấu trong ngày.
Chiều nay, môn vật tại SEA Games 31 bắt đầu khởi tranh ngày thi đấu đầu tiên tại Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội) với 6 hạng cân của nội dung vật cổ điển gồm 60kg, 67kg, 87kg, 77kg, 97kg và 130kg.
Đội tuyển Việt Nam đã thi đấu ấn tượng, giành trọn vẹn 6 huy chương vàng, đúng với kỳ vọng trở thành “mỏ vàng” của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games trên sân nhà.
Ở hạng cân đầu tiên 60kg, đô vật Bùi Tiến Hải xuất sắc đánh bại đối thủ tới từ Lào là Khamlar Salavong bằng lối đánh thuyết phục. Trong các set đấu, có thời điểm Bùi Tiến Hải nhấc bổng được đối thủ và giành điểm tuyệt đối.
Nhờ mở đầu thuận lợi, đội tuyển vật Việt Nam tiếp tục đoạt huy chương vàng thứ hai nhờ công của Bùi Mạnh Hùng ở hạng cân 67kg. Nam vận động viên vượt qua đối thủ người Philippines sau 2 ván đấu.
Tới hạng cân 77kg, Nguyễn Bá Sơn giữ vững phong độ, quật ngã đối thủ "khó chịu" Andika Sulaeman tới từ Indonesia dù gặp nhiều khó khăn.
Tiếp theo, Nghiêm Đình Hiếu xuất sắc đánh bại đối thủ Thái Lan là Chinathurat ở hạng cân 87kg, mang về tấm huy chương vàng cho mình tại SEA Games 31.
Khép lại ngày thi đấu đầu tiên, các đô vật Nguyễn Minh Hiếu và Hà Văn Hiếu đem về thêm 2 huy chương vàng ở nội dung 97kg và 130kg; trong đó Hà Văn Hiếu thi đấu xuất sắc trước đối thủ từ Singapore dù đã gần 40 tuổi. Sau chiến thắng trọn vẹn này, huấn luyện viên Nguyễn Văn Chúc cho biết: "Kết quả này xứng đáng với nỗ lực của đội tuyển trong suốt thời gian qua. Nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31, toàn bộ Ban huấn luyện và các đô vật phải sinh hoạt, tập luyện khép kín, không gặp gia đình trong 3 tháng".
Ngày mai (18/5), môn Vật sẽ tiếp tục diễn ra tại Nhà thi đấu Gia Lâm với nội dung vật tự do nữ với các hạng cân 50kg, 53kg, 57kg, 62kg, 68kg và 76kg. Đội tuyển Việt Nam hứa hẹn tiếp tục giành thêm huy chương vàng với các gương mặt triển vọng như Nguyễn Thị Xuân, Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Lại Diệu Thương, Đặng Thị Linh.
Trong ngày thi đấu thứ hai môn Bắn súng, xạ thủ Trần Quốc Cường đã thi đấu thành công đem về tấm huy chương vàng ở nội dung súng ngắn bắn chậm 50m nam.
Nội dung này có 16 tuyển thủ tham dự. Việt Nam có 2 đại diện là Trần Quốc Cường và Nguyễn Hoàng Phương, còn lại là các xạ thủ đến từ Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore và Indonesia.
Sau 6 lượt bắn (mỗi lượt 10 viên), vận động viên Trần Quốc Cường đã giành huy chương vàng với thành tích 548 điểm. Người giành huy chương bạc ở nội dung này là Naung Ye Tun (Myanamar) đạt 546 điểm và Boriphat Jariyatakone (Thái Lan) với 545 điểm, giành huy chương đồng.
Chia sẻ sau khi giành tấm huy chương vàng SEA Games 31, xạ thủ Trần Quốc Cường cho biết: “Thành tích thi đấu của tôi ngày hôm nay thấp hơn so với trong tập luyện cũng như ở các giải quốc tế do áp lực giành huy chương vàng trên sân nhà là rất lớn. Tuy nhiên, tôi hài lòng với những gì mình đã làm được”.
Huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung đánh giá rất cao tấm huy chương vàng mà vận động viên Trần Quốc Cường đã giành được, bởi cuộc so tài giữa xạ thủ Việt Nam với Naung Ye Tun (Myanamar) là cuộc đọ sức giữa 2 vận động viên đạt đẳng cấp thế giới. “Trần Quốc Cường đã 1 lần giành quyền dự Olympic, còn xạ thủ Myanmar đã 2 lần dự Olympic. Đây là 2 vận động viên có kỹ thuật bắn rất tốt và cuộc so tài giữa họ thực sự quyết liệt”, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.
Với Trần Quốc Cường, đây là tấm huy chương vàng cá nhân giành được sau 7 năm. Gần đây nhất, xạ thủ người Hải Dương giành huy chương vàng tại SEA Games 2015 (nội dung súng ngắn hơi 10m nam).
Trong ngày thi đấu hôm nay, tại Khu huấn luyện Đua thuyền thành phố Hải Phòng (thị trấn Minh Đức - huyện Thủy Nguyên) bắt đầu khởi tranh môn đua thuyền canoeing/kayak.
Tham dự môn đua thuyền canoeing/kayak tại SEA Games 31 tổ có 8 đội đến từ các nước Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thailand, Cambodia, Singgapore, Malaysia và Myanmar với 8 nội dung thi đấu.
Sáng nay, các vận động viên bước vào tranh tài vòng loại 4 nội dung là đơn nam thuyền kayak cự ly 1.000m, đôi nam canoeing cự ly 1.000m, 4 nam thuyền kayak cự ly 1.000m và đôi nam thuyền kayak cự ly 1.000m. Rất tiếc, ở 2 nội dung đôi nam thuyền kayak cự ly 1.000m và đôi nam canoeing cự ly 1.000m, tuyển Việt Nam không có vận động viên nào qua được vòng loại. Ở 2 nội dung còn lại, các vận động viên Việt Nam đang tạm dẫn đầu khi kết thúc vòng bán kết.
Vượt qua các vận động viên Thái Lan, Indonesia và Myanmar, về đích đầu tiên với thành tích 5 phút 0 giây 752, vận động viên Nguyễn Thị Hương của đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành huy chương vàng ở nội dung thuyền đơn nữ canoieng 1.000m.
Vận động viên Nguyễn Thị Hương cảm thấy rất vui, tự hào và gửi lời cảm ơn tới các thầy, các cô cũng như tất cả các cổ động viên đã cổ vũ em hết mình. Nguyễn Thị Hương hy vọng với tấm huy chương vàng này, mọi người sẽ biết nhiều hơn đến môn Đua thuyền và cổ vũ, động viên đồng đội giành thành tích cao nhất tại SEA Games 31.
Môn Đua thuyền canoeing/kayak tại SEA Games 31 diễn ra từ ngày 17 đến 21/5 với sự tham gia của vận động viên đến từ 8 quốc gia. Các vận động viên tranh tài ở 19 nội dung, trong đó có 7 nội dung cho nam và 12 nội dung cho nữ.
Ở nội dung chung kết thuyền 4 nữ kayak 1.000m, các cô gái Việt Nam gồm Đỗ Thị Thanh Thảo, Ngô Phương Thảo, Đinh Thị Trang và Nguyễn Thị Thanh Mai đã để tuột huy chương vàng vô cùng đáng tiếc, khi về sau đội thứ nhất chưa đến 1 giây. Huy chương vàng ở nội dung này thuộc về các vận động viên Thái Lan và huy chương đồng thuộc về đội tuyển Indonesia. Ngày mai (18/5), các vận động viên tiếp tục tranh tài ở các vòng tiếp theo.
Thể thao điện tử - PUBG Mobile nội dung cá nhân mang về tấm huy chương vàng thứ hai cho Esports Việt Nam.
Đội tuyển taekwondo Việt Nam đã giành 2 huy chương vàng liên tiếp do công của võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền ở hạng cân 46kg nữ và của võ sĩ Bạc Thị Khiêm ở hạng cân 67kg nữ.
Ở môn bóng chuyền, đội tuyển nữ Việt Nam đã trải qua 1 trận đấu đầy cảm xúc với tuyển nữ Thái Lan. Hai đội bóng liên tục rượt đuổi tỉ số. Khi bước sang set 5 quyết định, đội tuyển nữ Thái Lan đã chứng tỏ đẳng cấp khi vượt lên giành chiến thắng chung cuộc 25/23.
Đội tuyển bóng rổ Việt Nam vượt qua Singapore với tỉ số sát nút 86-83 sau 1 trận đấu rất kịch tính khi 2 đội bóng liên tục bám đuổi tỉ số.
Tính đến 22 giờ ngày 17/5, Đoàn Việt Nam dẫn đầu Bảng tổng sắp huy chương với 101 huy chương vàng, 65 huy chương bạc và 64 huy chương đồng; Xếp thứ Nhì là Đoàn Thái Lan với 43 huy chương vàng, 45 huy chương bạc, 63 huy chương đồng; Xếp thứ Ba là Đoàn Philippines với 34 huy chương vàng, 39 huy chương bạc, 51 huy chương đồng... Xếp cuối cùng là Đoàn Timor Leste với 2 huy chương bạc.