Người hùng thầm lặng không cần khán giả, chỉ cần trái tim đủ lớn

Hơn 20 năm qua, Châu Thành Toàn luôn có mặt tại các kỳ Đại hội Thể thao người khuyết tật ở Việt Nam. Anh không thi đấu, không giữ vai trò tổ chức, cũng chưa từng bước lên bục phát biểu, nhưng nếu anh vắng mặt, rất nhiều vận động viên sẽ không thể thi đấu trọn vẹn.

Từ năm 2003 đến nay, Châu Thành Toàn đã tham gia hơn 130 giải thể thao dành cho người khuyết tật ở cấp thành phố, toàn quốc và khu vực. Mỗi giải kéo dài 5 đến 10 ngày, với hàng trăm vận động viên thi đấu, nhưng trong suốt hơn 20 năm qua, anh chưa từng vắng bởi biết rằng mình có thể góp phần hỗ trợ.

1-1744969987.png

Anh bắt đầu hành trình này khi mới 18 tuổi trong một lần tình cờ giúp đoàn vận động viên người khuyết tật tại sân bay Tân Sơn Nhất. Anh nhận ra sự thiếu vắng của lực lượng hỗ trợ chuyên trách. Từ đó, Châu Thành Toàn đều đặn xuất hiện ở mọi sự kiện thông qua các công việc như: đẩy xe lăn, bế người mất khả năng vận động, gõ tín hiệu cho người khiếm thị ở môn Bơi, hướng dẫn giờ thi đấu, xử lý các tình huống khẩn cấp tại sân thi đấu…

Năm 2007, Toàn thành lập nhóm thiện nguyện SV07. Từ nhóm nhỏ 5-7 người ban đầu, đến nay, SV07 có hơn 120 thành viên hoạt động thường xuyên tại TP.HCM, Hà Nội và các địa phương tổ chức Đại hội Thể thao người khuyết tật. Tính riêng trong 5 năm gần đây, nhóm đã tham gia trực tiếp hơn 40 sự kiện thể thao lớn, hỗ trợ hơn 2.000 lượt vận động viên.

2-1744970060.png

Ngoài công việc tại sân thi đấu, SV07 cũng thực hiện nhiều chương trình xã hội như: Xây dựng gần 100 căn nhà tình thương tại các tỉnh phía Nam, trao hơn 300 xe đạp và chân giả cho học sinh nghèo và người khuyết tật, phát trung bình 1.500 suất cơm miễn phí mỗi tháng tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM. Tất cả các hoạt động này, nhóm vận hành bằng nguồn kinh phí xã hội hóa mà không có tài trợ cố định.

Tại các giải đấu, Châu Thành Toàn thường có mặt từ 5 giờ sáng và chỉ rời sân sau 22 giờ, làm việc liên tục từ 10-16 tiếng mỗi ngày trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Anh không nhận thù lao, cũng không đề tên trong bất kỳ danh sách tổ chức nào. Nhưng với nhiều vận động viên, anh là người đầu tiên họ thấy khi tới sân và cũng là người cuối cùng tiễn họ.

3-1744970061.png

Nhiều vận động viên từng mưu sinh bằng vé số, sau nhờ anh hỗ trợ mà lần đầu được thi đấu, rồi tiếp tục đi đến các giải toàn quốc, khu vực. Có người đứng trên bục nhận huy chương, cúi đầu cảm ơn người đàn ông vẫn lặng lẽ phía sau - không đeo thẻ, không áo đồng phục, nhưng luôn có mặt đúng lúc.

Châu Thành Toàn chưa từng tự nhận mình là người hùng. Nhưng với hơn 20 năm có mặt không thiếu một kỳ Đại hội, hỗ trợ không sót một ai, chính là lời khẳng định rõ nhất về vai trò thầm lặng mà không thể thay thế.

4-1744970060.png

Câu chuyện của nhà thiện nguyện Châu Thành Toàn được kể lại trong phóng sự “Những giấc mơ lấp lánh”, nằm trong Dự án truyền thông tôn vinh những người hùng thầm lặng của Thể thao Việt Nam, do nhóm sinh viên chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện (Đại học FPT Hà Nội) thực hiện, dưới sự đồng hành và hỗ trợ chuyên môn từ Cục Thể dục thể thao Việt Nam.

Nhóm Tinh Tú - Đại học FPT