
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch 116/KH-BVHTTDL về việc Tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024. Theo đó, Kế hoạch thông qua các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn (2024) nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc, đồng thời góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại "Ngôi nhà chung", Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, mang đến không khí đón Tết cổ truyền dân tộc cho khách du lịch những ngày đầu Xuân.
Chủ thể văn hoá - đồng bào dân tộc sẽ mang đến các lễ hội, cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, thực hành các nghi thức dân gian tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Dự kiến khoảng hơn 200 người của 28 cộng đồng dân tộc, của 16 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền.
Tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, qua đó để mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay; tăng cường kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ đặc biệt của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; nâng cao sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, qua đó giáo dục thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngày hội gồm nhiều chương trình đặc sắc. Trong đó có các nội dung chính: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân đất nước (Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc) với nội dung gồm các các bài ca về Đảng, về Bác Hồ, về mùa Xuân và giới thiệu di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Trình diễn giới thiệu trò Xuân phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Thanh Hóa; các điệu múa đầu năm, múa lễ hội đền tháp của đồng bào Chăm Bà-la-môn tỉnh Ninh Thuận; giới thiệu nghệ thuật Hát Then di sản văn hóa đại diện nhân loại của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng; cồng chiêng, xoang của đồng bào B'ru Vân Kiều tỉnh Quảng Bình;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc, tặng quà người có uy tín đồng bào dân tộc (28 đại diện 28 dân tộc: nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…), đại diện đồng bào các dân tộc tặng quà, chúc Tết lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cùng tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân, trồng cây lưu niệm tại khu các làng dân tộc .
Tái hiện giới thiệu nghi thức, lễ hội truyền thống vùng miền, trình diễn di sản văn hóa như Lễ Trỉa lúa (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) của dân tộc B'ru Vân Kiều. Trỉa lúa (lấp lỗ) là công đoạn cuối cùng của quy trình làm nương rẫy: từ chặt, đốt, cốt rồi đến trỉa. Tuy nhiên, công đoạn này đã được người dân nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống được cất giữ kín đáo trong gùi ra, phải trỉa xuống đất để cầu mong các vị thần linh như thần trời, thần nước, thần núi, thần rừng gìn giữ và bảo hộ cho hạt giống được sinh sôi nảy nở, chắc hạt nặng bông khi đến mùa thu hoạch.

Lễ hội Nàng Hai - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Tày: Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày, trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên, là các con gái của Mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng ở trần gian. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người Tày phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên bà con luôn ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội cổ 5 truyền của đồng bào Tày, thể hiện ước vọng của đồng bào vào lực lượng siêu nhiên với trí tưởng tượng phong phú, hình thức diễn xướng lễ độc đáo, đặc sắc.
Giới thiệu Trò Xuân phả - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Trò Xuân Phả được xem không chỉ độc đáo, đặc sắc mà còn “độc nhất vô nhị” ở Thanh Hóa. Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Lễ hội múa đầu năm - Rija Nagar của dân tộc Chăm: Lễ hội Rija Nagar diễn ra trong thời điểm chuyển giao giữa mùa khô với mùa mưa như một hình thức cầu mưa. Đời sống người Chăm, gắn liền với các hoạt động nông nghiệp, với ruộng đồng từ nhiều đời nay. Do đó, lúc nào họ cũng khát khao cho khí trời thuận lòng người, cầu trời cho mưa rơi xuống, đất đai tươi tốt để có được vụ mùa bội thu. Lễ hội Rija Nagar là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người Chăm kết hợp với nghệ thuật biểu diễn ca múa nhạc làm cho không khí của năm mới 6 tràn đầy phấn khởi và vui vẻ. Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có chương trình "Du xuân" giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ…
Kế hoạch đặt yêu cầu các hoạt động cần tạo không khí vui tươi phấn khởi trong những ngày đầu xuân năm mới nhằm động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của quần chúng Nhân dân dịp Tết Giáp Thìn và thiết thực kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2024).
Các đại diện tham gia hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn trong Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền tổ quốc" là người có uy tín trong cộng đồng (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) người dân tộc thiểu số đã có thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc tại địa phương.
Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức trong 2 ngày, 24 - 25/02/2024 (tức ngày 15, 16 tháng Giêng âm lịch) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội).