Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

“Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là chủ đề các hoạt động tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra từ ngày 1-29/2/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

goi-banh-chung-1706874527.jpg
Không khí Tết rộn ràng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chương trình hoạt động nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại “Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho du khách những ngày đầu Xuân.

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” bao gồm các hoạt động lễ hội đặc sắc, trò chơi dân gian tiêu biểu, các món ăn truyền thống dịp năm mới và các loại sản vật đặc trưng của từng dân tộc, đan xen là hoạt động biểu diễn các dân ca, dân vũ phong phú, hấp dẫn do chủ thể văn hóa thực hiện.

Trong đó, nhiều hoạt động tổ chức theo chủ đề như: Hội tung còn ngày Xuân của đồng bào Thái, Lào, Khơ Mú; chương trình giao lưu “Hoa xuân Tây Bắc” với các hoạt động nghệ thuật và trò chơi dân gian truyền thống ngày Xuân của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Lào; chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng khi mùa Xuân về” giới thiệu âm nhạc dân gian các dụng cụ từ tre nứa của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên…

Lễ hạ nêu với ý nghĩa đem đến may mắn cho mọi người; tái hiện Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên; chương trình giao lưu “Sắc chàm hương Xuân” giới thiệu nghệ thuật hát then của dân tộc Tày, Nùng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên như không gian văn hóa trà...

Vào mỗi dịp cuối tuần (từ mùng 5 Tết đến 15 tháng Giêng), tại Làng còn có các hoạt động “Vui Tết đón Xuân” tại không gian các làng đồng bào thể hiện các phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu dân tộc, vùng miền.

Điểm nhấn trong các hoạt động này là nghi thức đón Tết của đồng bào các dân tộc; giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa Xuân như múa xòe, nhảy sạp, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa Xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến; tìm hiểu văn hóa ẩm thực...

Bên cạnh việc hưởng ứng sự kiện Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024, hoạt động tháng 2 có khoảng hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Huy động thêm 30 nghệ nhân đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên cho hoạt động điểm nhấn ngày 17 và 18/2 (tức ngày 8 và 9 tháng Giêng).

T.H