"Ngành Thể dục thể thao cần bứt phá về tổ chức, nghĩ sâu làm lớn"

Đây là một trong những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai công tác năm 2025 của Cục Thể dục thể thao diễn ra chiều 26/12.

z6169299667930-c09d6e0d5de559f6bc7138f859f8cdbd-1735223481.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Ghi nhận những kết quả

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - cho biết: Năm 2024, toàn Ngành đã đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ trong công tác của các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ và các Bộ, ngành, địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia cùng với sự phấn đấu, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Cục Thể dục thể thao đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện kế hoạch công tác năm 2024.

z6169299666813-1dec4ba70998b76ac7bf4284e3159eb9-1735223482.jpg

Cụ thể, về công tác tham mưu xây dựng và triển khai văn bản, đề án, Cục Thể dục thể thao đã tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới. Đây được xem là nền tảng, là định hướng chuyên môn quan trọng để Thể thao Việt Nam phát triển vững chắc trong thời gian tới. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tổ chức triển khai Kết luận; tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tăng cường công tác tham mưu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện đang là điểm nghẽn đối với sự phát triển của thể dục thể thao. Phong trào thể dục thể thao cho mọi người tiếp tục phát triển sâu rộng, nhiều hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở đã được tổ chức sôi nổi rộng khắp cả nước, đặc biệt là các loại hình tập luyện đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như Chạy marathon, Đi bộ, Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, cờ Tướng, Võ thuật, Bóng đá mini, Bóng chuyền hơi, Pickleball… đã phát triển mạnh ở các địa phương.

z6169299644536-c77c274659ab9bcb5dee4dc182da95fb-1735223482.jpg
Ông Đặng Hà Việt  - Cục trưởng Cục Thể dục thể thao - phát biểu tại Hội nghị

Về Thể thao thành tích cao, năm 2024 là năm thể thao thành tích cao gặp nhiều khó khăn, thử thách, với nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng nhất là có nhiều nhất số lượng vận động viên vượt qua vòng loại và phấn đấu có huy chương tại Thế vận hội Olympic Paris 2024. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2024, Cục Thể dục thể thao đã chỉ đạo tập trung cao độ cho việc triển khai kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội tuyển ở các môn: Bắn súng, Cầu lông, Bơi, Điền kinh, Xe đạp, Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Rowing, Canoeing, Boxing, Bắn cung, Bóng bàn, Judo... nhằm tích điểm trên Bảng xếp hạng thế giới để xét vé tham dự hoặc có thể tranh vé ngay tại một giải đấu lớn.

Kết quả thi đấu quốc tế năm 2024, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng). Trong đó, tiêu biểu là, lần đầu tiên đội tuyển Fusal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á; 16 vận động viên/11 môn thể thao giành suất tham dự Olympic Paris, mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra, song các thông số thành tích của hầu hết vận động viên được cải thiện, tiêu biểu là vận động viên Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 2 lần vào chung kết 2 nội dung là 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao (trong đó, nội dung 10m súng ngắn hơi Trịnh Thu Vinh đứng hạng tư chung cuộc); đội tuyển Bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành huy chương đồng thế giới và lần thứ hai giành huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á và nhiều thành tích xuất sắc khác.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 đạt chỉ tiêu đề ra, với tấm huy chương đồng hạng cân 49kg môn Cử tạ của vận động viên Lê Văn Công. Thành tích của Lê Văn Công giúp thể thao người khuyết tật Việt Nam có kỳ Paralympic thứ ba liên tiếp giành huy chương sau các năm 2016 và 2021

Năm 2024, cũng là năm đánh dấu sự nổi bật của công tác đối ngoại về thể dục thể thao. Với vai trò là chủ nhà, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 15 (SOMS 15) được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong năm 2024, Cục Thể dục thể thao cũng đã đạt kết quả trên các lĩnh vực như tổ chức cán bộ, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phòng chống doping và y học thể thao; công tác thông tin tuyền truyền, báo chí; công tác phục vụ huấn luyện, thi đấu thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác.

z6169299667573-629805f5552b324aae348b7c5bfdf991-1735223482.jpg
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - trình bày báo cáo tại Hội nghị 

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và hạn chế, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng, sự phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần có đổi mới tư duy và cách làm. Tại Olympic Paris 2024, mặc dù các thông số thành tích của hầu hết vận động viên được cải thiện, song qua kết quả cho thấy công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trọng điểm để tranh chấp huy chương tại cấp độ thế giới chưa đạt yêu cầu đề ra, thành tích của các vận động viên Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với thành tích của châu lục và thế giới.

z6169299657795-c3868012b5bcf3a09079d26f4073ce38-1735223481.jpg
Ông Nguyễn Hải Đường - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế - trình bày tham luận về công tác đối ngoại của Cục Thể dục thể thao 

Bứt phá về tổ chức, nghĩ sâu làm lớn, nhìn xa, trông rộng

Hội nghị cũng nghe các tham luận: Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao thành tích cho vận động viên chuẩn bị cho SEA Games 33; Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước tại Cục Thể dục thể thao; Vai trò của Việt Nam trong việc chủ trì Hội nghị AMMS và Hội nghị SOMS về thể thao giai đoạn 2024-2025; Tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, chuyển đổi số thể dục thể thao trong năm 2025,…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ghi nhận và đánh giá cao những thành tích Cục Thể dục thể thao đạt được trong năm vừa qua. Những kết quả đã đạt được sẽ tạo đà cho những bước đột phát trong năm 2025. Bên cạnh đó, báo cáo tại Hội nghị cũng chỉ ra được những điểm chưa đạt được để khắc phục trong năm 2025.

z6169299646719-b8eafe9457e282c0c6f320a67e436308-1735223482.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị 

Theo Thứ trưởng, trong năm 2024, ngành Thể thao đã có nhiều điểm sáng. Đó là tập trung đẩy mạnh xây dựng thể chế pháp luật, góp phần từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt”, đồng thời, định hướng phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới. Phong trào thể dục thể thao cho mọi người tiếp tục phát triển sâu, rộng, sôi nổi trên địa bàn cả nước, với số lượng người tập thể dục thể thao thường xuyên, số câu lạc bộ thể dục thể thao ngày càng tăng.

Ngành Thể dục thể thao đã kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm về việc chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự thi đấu tại Olympic Paris 2024, qua đó, đã bước đầu chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý vận động viên tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia và xây dựng các đề án, chính sách mới để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các kỳ ASIAD, Olympic trong thời gian tới. Cùng với đó là điểm sáng về công tác đối ngoại thể dục thể thao.

z6169299678831-aafa2c94c6e24e7bea05b12080b97a86-1735223481.jpg
Ông Lý Đức Thùy - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao - trình bày tham luận tại Hội nghị

Nhắc lại Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 18/12, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị ngành Thể dục thể thao cần quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị về phát triển thể thao quần chúng phải phát triển rộng và thể thao thành tích cao phải phát triển sâu. "Từ đó, toàn Ngành hãy cùng nghiền ngẫm, suy nghĩ để xây dựng các mục tiêu khả thi cho năm 2025", Thứ trưởng nhấn mạnh. Trong năm 2025 tới đây, Thứ trưởng đề nghị, ngành Thể dục thể thao cần tập trung trí tuệ, đoàn kết thống nhất, tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm.

"Trong bối cảnh mới, yêu cầu mới, kỷ nguyên mới đòi hỏi chúng ta phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó. Mỗi cá nhân của Ngành cần coi trọng thời gian, trí tuệ, sáng tạo, quyết đoán, đúng thời điểm, địa điểm. Tôi mong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài thể thao trong năm 2025 tiếp tục sát cánh cùng các đơn vị trong Bộ phấn đấu, nỗ lực với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất cao để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị, ngành Thể dục thể thao cần bứt phá về tổ chức, bộ máy, nhân lực, yêu cầu Cục Thể dục thể thao triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

z6169299660074-07d225b6ef455996c1bd03994f45ec8d-1735223482.jpg
Ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng phòng Thể thao thành tích cao I - trình bày tham luận  
Bùi Lượng