Nét đẹp văn hóa qua các Lễ hội thể thao truyền thống ở Hoàng Mai

Nhiều năm qua, quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội) được biết đến là địa phương có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh. Song điểm nhấn của Thể thao Hoàng Mai lại nằm ở những nét đẹp truyền thống đặc sắc trong các lễ hội vào mỗi độ Tết đến, Xuân về mà hiếm địa phương nào có được. Đó là Hội Vật cầu Lĩnh Nam và Hội Vật làng Mai Động.

Hội Vật làng Mai Động

Mỗi dịp đầu Xuân, từ ngày mùng 4 đến mùng 7 Tết Nguyên đán, Hội Vật làng Mai Động lại được tổ chức tại khu vực đình Nghè làng Mai Động (nay thuộc phường Mai Động - quận Hoàng Mai - TP. Hà Nội). Trải qua nhiều năm tổ chức, Hội Vật làng Mai Động đã trở thành nơi lưu giữ những tinh túy văn hóa dân gian ngay trong lòng Thủ đô. Tương truyền, Hội Vật Mai Động ra đời vào thuở danh Tướng Nguyễn Tam Trinh (thời Hai Bà Trưng) đến làng Mai (nay là phường Mai Động - quận Hoàng Mai) mở lò dạy võ cho dân làng. Hằng năm, từ mùng 4 đến mùng 6 Tết, dân làng tại tổ chức Lễ hội truyền thống, trong đó đặc sắc nhất là Lễ hội Vật và đã quy tụ nhiều đô vật, từ các bô lão, trung niên, thanh niên đến các cháu thiếu niên nhi đồng tới từ các “lò vật” nổi tiếng khu vực lân cận như Lĩnh Nam, Yên Sở… cũng như những đô vật tới từ Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Hưng Yên tham gia tranh tài ở các giải quan trọng là giải Ba, giải Nhì và giải Nhất; xen kẽ là các giải Nhí, giải Lèo.

vat-1707273399.jpg
Hội Vật làng Mai Động

Việc tổ chức Lễ hội Vật hằng năm với mục đích gìn giữ truyền thống của làng Mai xưa, tưởng nhớ những bậc tổ tiên đã truyền lại cho con cháu những “miếng” võ độc đáo không nơi nào có được. Ngày nay, thế hệ trẻ của Mai Động rất hăng say luyện tập đấu vật và “thầy” dạy chính là những bô lão, hay các bậc cha chú, đàn anh của làng.

Các cụ bô lão ở làng Mai Động cho biết, trong các trận đấu vật, thể lực không quan trọng, cũng không có nghĩa cứ đối thủ cao to hơn là thắng, mà trong từng trận đấu, có khi người yếu, nhỏ con hơn vẫn có thể thắng đối thủ mạnh, cao to hơn mình. Thậm chí thua mà vẫn có thể chuyển thành thắng. Bí quyết là sự khôn khéo, linh hoạt, biết chớp thời cơ đúng lúc. Phải chăng đấy cũng là tinh hoa võ vật mà các tướng lĩnh trong lịch sử Việt Nam rút ra để lãnh đạo người dân chiến thắng nhiều đội quân hùng mạnh từng sang xâm nước Việt Nam trước kia.

Các trận đấu luôn tạo ra không khí hào hứng, sôi nổi trong tiếng hò reo cổ vũ hòa cùng tiếng trống thúc giòn giã. Trên sới vật, từng cặp đô vật thân hình cường tráng, mình trần, chít khăn xanh, khăn đỏ đang khua chân, múa tay để rình miếng nhau, chỉ đợi đối phương sơ hở là lao vào vật ngửa đối thủ. Xung quanh sới vật, người già, trẻ em, thanh niên trai tráng cũng hồi hộp dõi theo diễn biến trận đấu và không quên vỗ tay tán thưởng những miếng vật hay, độc đáo. Những cuộc thi tài của các đô vật nhí thường được tổ chức xen kẽ giữa các cuộc đấu vật chính thức. Những trận đấu của các đô vật nhí thường nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ, kèm theo tiếng cưới sảng khoái cho khán giả.

Có lẽ bởi thế, Hội Vật dân tộc truyền thống làng Mai Động luôn hấp dẫn, không chỉ là trò chơi, môn thể thao, mà còn là nét đẹp trong lễ hội dân gian Việt Nam, góp phần phát huy tinh thần thượng võ cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc.

Hội Vật cầu Lĩnh Nam

Hằng năm, vào ngày mùng 4 đến mùng 6 Tết, dân làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam - quận Hoàng Mai - TP. Hà Nội), lại long trọng tổ chức Lễ hội Vật cầu tại sân đình. Tương truyền, Lễ hội Vật cầu có từ thời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Khi đó, Thái tử Linh Lang - người con trai thứ tư của Vua thường tổ chức lễ hội vật cầu để quân sĩ vui chơi và rèn luyện sức khỏe mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đây là một lễ hội khá độc đáo bởi vật cầu là môn thể thao thể hiện trí thông minh, sức mạnh dẻo dai. Lễ hội nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân làng Thúy Lĩnh cũng như du khách thập phương.

le2-1707273474.jpg
Lễ hội Vật cầu truyền thống làng Thúy Lĩnh

Vật cầu là môn thể thao rèn luyện cả trí và lực, lại mang tính hợp đồng mưu lược rất rõ. Trước kia, Vật cầu chia về các giáp (xóm) trong làng, bao giờ cũng có kèm múa võ, múa kiếm và múa lân. Vật cầu là môn thể thao rèn luyện trí lực nên có đầy đủ nội dung phù hợp với các lứa tuổi khác nhau, từ thiếu nhi cho đến các cụ cao tuổi trong làng. Tuy nhiên, trai tráng vẫn chiếm phần nhiều, các phần thi của họ bao giờ cũng được quan tâm đặc biệt. Tham gia Vật cầu có 4 đội canh 4 hố. Cầu được làm bằng gỗ mít tiện tròn.

Sau khi có hiệu lệnh của trọng tài, 4 đội cùng trổ tài cướp cầu mang về hố của mình. Mỗi một lần mang được cầu về hố sẽ nhận được 1 giải con, 3 lần liên tiếp có giải con là được giải cái (cầu không được ra đường biên, không bị đội bạn mang về hố khác). Theo lệ xưa, đội chiến thắng trong trận cầu không chỉ được tôn vinh, mà còn được người làng chúc phúc cho cả năm được may mắn và hạnh phúc. Sân vật cầu được đào sẵn 5 hố, 1 hố ở giữa để đặt cầu khi vào trận đấu, 4 hố ở 4 góc tương ứng với 4 đội. Cứ 2 người một đội đưa cầu vào hố của đội mình 3 lần liên tiếp thì chiến thắng. Trang phục thi đấu là quần trắng và đai màu, cùng 1 đội thì có đai màu giống nhau. Đây là môn thể thao rèn luyện cả trí lực lẫn thể lực rất rõ ràng vì mỗi đội không những cần sức mạnh sức bền mà còn cần chiến thuật và sự hợp tác của đồng đội mình để giành chiến thắng cuối cùng.

Từ năm 2013, Lễ hội Vật cầu truyền thống làng Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam đã được nâng lên thành giải Vật cầu cấp quận. Đình Thúy Lĩnh và Lễ hội Vật cầu là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng thể hiện tinh thần thượng võ của nhân dân phường Lĩnh Nam, đồng thời, là hương vị Tết cổ truyền sôi động và độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn và phát triển.

Minh Anh